Multimedia Đọc Báo in

Chăm lo đời sống cho người khiếm thị

08:18, 04/08/2023

Trong những năm qua, các cấp hội người mù trên địa bàn tỉnh đã luôn đồng hành, quan tâm chăm lo đời sống cho hội viên. Từ đó, người khiếm thị không còn đơn độc trong hành trình vượt qua khó khăn, ngày càng có thêm nghị lực, niềm tin vươn lên trong cuộc sống.

Từ khi lọt lòng mẹ, chị H’Gương Bkrông (buôn Tơ Lơ, xã Ea Na, huyện Krông Ana) đã không nhìn thấy ánh sáng. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân không có việc làm khiến chị luôn mặc cảm. Năm 2014, Hội Người mù huyện Krông Ana thành lập, chị được vận động tham gia sinh hoạt Hội, được học chữ nổi, học nghề xoa bóp bấm huyệt miễn phí ở tỉnh Khánh Hòa. Nhờ đó, chị H’Gương tìm được việc làm tại một cơ sở xoa bóp, bấm huyệt trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng.

Chị H’Gương trải lòng: “Sau khi tham gia các khóa học, tiếp xúc với nhiều người đồng cảnh ngộ, tôi tự tin hơn, có thêm niềm vui trong cuộc sống. Tôi có thể đọc sách, truyện chữ nổi và hiểu hơn về đời sống của những người giống như mình để nỗ lực làm việc nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội”. Niềm vui nhân đôi, trong quá trình học các lớp dành cho người khiếm thị, chị đã quen và tìm được "một nửa yêu thương" của mình. Giờ đây, vợ chồng chị đã có một cháu 4 tuổi, đây chính là động lực để vợ chồng chị vươn lên trong cuộc sống còn bề bộn khó khăn.

Chị H’Gương Bkrông (thứ hai từ trái sang) nhận Giấy khen của Hội Người mù tỉnh tặng vì có thành tích trong phong trào hoạt động Hội.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Người mù huyện Krông Ana cho biết, chị H’Gương là một trong những hội viên được Hội tạo điều kiện học nghề, là tấm gương giàu nghị lực, vượt khó vươn lên. Với 81 hội viên, Hội đã tích cực vận động, tuyên truyền hội viên học chữ nổi, học nghề xoa bóp bấm huyệt, hướng dẫn thủ tục vay vốn phát triển kinh tế. Trong 5 năm qua, Hội đã vận động, trao 1.870 suất quà trị giá hơn 500 triệu đồng cho hội viên. Tỷ lệ hội viên nghèo và cận nghèo từ 19% (năm 2018) đến nay giảm còn 15%.

 

“Hội Người mù tỉnh mong muốn chính quyền có sự quan tâm hơn nữa, chung tay hỗ trợ để Hội thực hiện các chương trình trợ giúp người khiếm thị trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong việc hình thành các cơ sở sản xuất tập trung để tạo việc làm, giúp người mù phấn đấu vươn lên, hòa nhập với cộng đồng” - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Lê Hữu Niên.

Tại TP. Buôn Ma Thuột, nhận thức tầm quan trọng của chương trình việc làm, giảm nghèo, các cấp Hội trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch, biện pháp thực hiện nhằm tạo việc làm cho hội viên.

Ông Nguyễn Thế Đức, Chủ tịch Hội Người mù TP. Buôn Ma Thuột cho hay, xoa bóp bấm huyệt hiện là nghề chủ lực cho người mù trên địa bàn với 13 cơ sở xoa bóp bấm huyệt do hội viên mở, tạo việc làm cho 43 người mù, với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, các nghề thủ công như: làm tăm tre, chổi đót cũng giúp hội viên có việc làm, thêm thu nhập. Từ năm 2018 đến nay, Hội đã tiêu thụ 57 nghìn gói tăm tre, 37 nghìn cây chổi đót với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, phát huy hiệu quả của chương trình vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm của Trung ương Hội Người mù Việt Nam, trong 5 năm qua, Hội Người mù TP. Buôn Ma Thuột đã lập 6 dự án cho 32 lượt người vay, giải quyết việc làm với tổng số tiền 213 triệu đồng.

Đơn cử như trường hợp anh Nguyễn Kim Sương (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) năm 2016 được cho vay 25 triệu đồng từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, cùng với số tiền tiết kiệm của gia đình, anh đã mua thiết bị, mở cơ sở xoa bóp bấm huyệt tại nhà, đã truyền nghề và tạo việc làm cho những người khiếm thị có nhu cầu.

Anh Sương tâm sự, những ngày đầu mới mở tiệm khách đến thưa thớt, gia đình phải bỏ thêm tiền để trả lương cho nhân viên. Nhưng với thái độ phục vụ tận tình, sau hơn một năm hoạt động, cơ sở đã có lượng khách ổn định. Hiện cơ sở đang hoạt động với 10 giường bấm huyệt, 2 phòng xông hơi, 5 nhân viên khiếm thị có chứng chỉ hành nghề, mức thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Anh Nguyễn Kim Sương bấm huyệt, massage cho khách hàng tại cơ sở của mình.

Hội Người mù tỉnh đang quản lý 534 hội viên với 4 cơ sở Hội trực thuộc. Thời gian qua, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng công tác dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn giúp hội viên cải thiện đời sống. Tuy vậy, nguồn kinh phí hạn chế khiến hoạt động Hội gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, đối với các địa phương chưa có tổ chức Hội rất khó trong vấn đề tiếp cận, giới thiệu tham gia các hoạt động nhằm giúp người khiếm thị vươn lên, có cuộc sống ổn định hơn.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.