Multimedia Đọc Báo in

Giúp người khiếm thị vươn lên trong cuộc sống

07:20, 27/04/2022

Những năm qua, Hội Người mù tỉnh luôn chú trọng công tác dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên, coi đây là giải pháp hữu hiệu giúp các hội viên ổn định cuộc sống, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Toàn tỉnh có 500 hội viên người mù tham gia sinh hoạt tại 4 hội cơ sở. Với sự hỗ trợ của Trung ương Hội Người mù và chính quyền địa phương, Hội Người mù tỉnh đã mở các lớp đào tạo nghề cho hội viên ở một số ngành nghề: sản xuất tăm tre, chăn nuôi, trồng trọt, xoa bóp bấm huyệt, học chữ braille (chữ nổi) thu hút đông đảo hội viên tham gia…

Trong đó, nghề xoa bóp bấm huyệt đã trở thành nghề chủ lực với 19 cơ sở hoạt động, tạo việc làm thường xuyên cho 72 hội viên với mức thu nhập từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. So với nghề làm tăm tre, làm chổi đót, nghề xoa bóp bấm huyệt phù hợp với khả năng lao động của người khiếm thị, việc làm ổn định và có thu nhập khá hơn.

Hội Người mù tỉnh thường xuyên phối hợp với các đơn vị trao quà tặng hội viên nhân dịp lễ, Tết.

Cùng với dạy nghề, mỗi năm Hội Người mù tỉnh chủ động xem xét hỗ trợ cho hội viên người mù có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế thông qua một số mô hình chăn nuôi, trồng trọt… Đến nay, các cấp Hội Người mù tỉnh đã triển khai, lập 8 dự án cho 28 hội viên vay để phát triển kinh tế hộ gia đình, với tổng số tiền 620 triệu đồng.

 

“Cùng với phát huy sức mạnh nội lực, Hội Người mù tỉnh mong muốn các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm tiếp tục chung tay giúp đỡ, hỗ trợ để người khiếm thị có thêm niềm tin, động lực tự lập tạo dựng cuộc sống”.

Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Lê Hữu Niên

Sau 6 tháng theo học lớp đào tạo nghề tẩm quất dành cho người mù tại TP. Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Kim Sương (ở phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) đi làm cho các cơ sở massage, bấm huyệt để tích lũy kinh nghiệm. Trở về địa phương, năm 2016 được Hội Người mù tỉnh hỗ trợ cho vay 25 triệu đồng từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, cùng số tiền tiết kiệm, anh mở cơ sở massage, bấm huyệt. Anh Sương bộc bạch: "Thu nhập từ nghề massage, bấm huyệt giúp tôi ổn định kinh tế gia đình và có điều kiện hỗ trợ những người cùng cảnh ngộ”. Nhiều người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn được anh Sương hỗ trợ chi phí sinh hoạt, đào tạo nghề miễn phí. Hiện cơ sở của anh Sương đang tạo việc làm cho 4 người khiếm thị với mức lương từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Với số vốn 25 triệu đồng được vay từ Hội Người mù tỉnh, chị Nguyễn Thị Thu Trâm (ở tổ dân phố 15, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) đã mua một số loại con giống về nuôi. Để tiết kiệm một phần chi phí, chị Trâm cùng chồng tranh thủ đi hái các loại lá cây, trồng thêm cỏ làm thức ăn cho đàn vật nuôi. Chị Trâm vui mừng nói: "Từ khi được hỗ trợ vay vốn xoay vòng với lãi suất thấp, kinh tế gia đình tôi tạm ổn”. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay trang trại của gia đình chị đã tăng quy mô lên 1.500 m2 với hơn 100 con vật nuôi, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, giúp vợ chồng chị có điều kiện nuôi ba con khôn lớn.

Anh Nguyễn Kim Sương massage, bấm huyệt cho khách hàng tại cơ sở của mình.

Mặc dù khiếm khuyết đôi mắt, điều kiện sinh sống, lao động gặp nhiều khó khăn, song người khiếm thị trên địa bàn tỉnh đã cố gắng vượt qua khó khăn, tự tin hòa nhập. Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Lê Hữu Niên cho biết, để giúp người khiếm thị vươn lên trong cuộc sống, Hội Người mù tỉnh tiếp tục khảo sát, vận động, kết nạp hội viên; mở thêm lớp dạy nghề, tìm dạy nghề mới, giúp đỡ một số hội viên có khả năng sản xuất, phát triển chăn nuôi, trồng trọt; duy trì việc thăm hỏi, tặng quà hội viên vào các dịp lễ, Tết.

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.