Cuộc đời không phải là phù vân
Vụ án “chuyến bay giải cứu” được đưa ra xét xử mới đây làm dấy lên những mối quan tâm của dư luận xã hội. Thật khó hình dung trong bối cảnh đầy đau thương của dịch bệnh, đã có tham nhũng, hối lộ trong thực hiện một chủ trương đầy tính nhân văn của Đảng và Nhà nước.
Nhiều cựu quan chức trả lời trước tòa về việc nhận hối lộ rằng đó là “quà cảm ơn”, rằng “không nhận thức được đó là việc làm sai trái”? Đến mức sự lý giải “ôi, quan là tham”, “xã hội nào cũng có tham nhũng mà thôi”, “ai mà không có tham sân si”… trở nên không còn hiếm trong các bình luận dưới các bài đăng về vụ án. Và thậm chí, nhiều người khẳng định “công danh, sự nghiệp giờ chỉ là phù vân” và khuyên nhau “tốt nhất cứ làm công ăn lương cho lành” khi nói về những án tù dành cho các bị cáo có hành vi nhận lối lộ.
Đằng sau vụ án “chuyến bay giải cứu” là rất nhiều câu hỏi mà những người quản lý xã hội cần quan tâm tìm câu trả lời, trong đó có vấn đề đạo đức xã hội. Liên quan câu chuyện đạo đức xã hội, xin được nhắc lại lời nói trong những ngày cuối đời của GS. Hoàng Tụy: “Công danh sự nghiệp đều là phù vân nhưng cuộc đời không phải là phù vân. Sống cho phải cuộc đời cũng khó lắm”. Từng câu chữ đã khiến người đọc suy ngẫm rất nhiều về “sự phù vân” của “công danh, sự nghiệp” và nỗi “khó nhọc” cho những nỗ lực “sống cho ra con người”.
Tranh minh họa: Internet |
Trong cuộc đời không ai không có những sai lầm. Người có lương tâm biết mình có thể phạm tội, nên người có lương tâm biết cảnh giác, biết giữ mình. Xã hội được điều tiết dựa vào hệ thống giá trị xã hội và chuẩn mực xã hội. Người ta thường sợ bị trừng phạt từ phía xã hội mà không dám làm điều xấu, điều ác. Nhưng con người còn có khả năng tự trừng phạt, tự điều tiết hành động. Tức là, cho dù xã hội có trừng phạt hay không thì họ vẫn không làm trái giá trị xã hội, chuẩn mực xã hội vì họ đã được nhập tâm giá trị rằng, đó là điều đúng, điều tốt.
Tuy vậy, trên thực tế, cá nhân gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn hành động. Không phải dễ dàng gì để từ chối cám dỗ, từ chối công danh, sự nghiệp hay tiền bạc. Nhất là trong những hoàn cảnh cá nhân hay gia đình có vấn đề. Từ lời tự sự của Nguyễn Công Trứ trong bài thơ “Vịnh cây thông”: “Kiếp sau xin chớ làm người/Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”, tác giả trong bài thơ sau đây tự răn mình:
“Tự nhủ sống phải vươn mình đứng thẳng
Nhưng nợ nần cơm áo trĩu hai vai
Thì vẫn biết làm người là khó lắm
Ta thương ta giữa đông đảo lạc loài.
Bỗng thoáng một bóng thông reo trước gió
Hòa điệu đàn nhịp phách vẳng thinh không
Bao phù phiếm hư danh tan biến hết
Ta cúi đầu trước Uy Viễn tướng công”
(Bóng thông, Nguyễn Minh Thuận, 2013)
Ấy chính là khi lương tâm chúng ta lên tiếng. Lương tâm cá nhân sẽ trở thành lương tâm của cộng đồng, của xã hội. Chính cái lương tâm ấy sẽ kiểm soát, nhắc nhở mỗi cá nhân, nhắc nhở cộng đồng biết giữ mình và trở nên... lương thiện hơn!
Và, khi dư luận xã hội lên án mạnh mẽ, công kích những hành vi xấu, những sự việc đáng bị lên án, những cá nhân đáng bị trừng phạt thì đạo đức xã hội được hình thành. Từ đó, góp phần kiểm soát lệch lạc xã hội và xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc