Dịch vụ phản ánh hiện trường: Để mỗi người dân là một kênh thông tin
Nếu như trước đây người dân ngại phản ánh các vấn đề bất cập gặp phải trong cuộc sống đến cơ quan chức năng bởi tâm lý e ngại, thì sau khi Ứng dụng phản ánh hiện trường đi vào hoạt động đã giúp người dân chủ động hơn, qua đó đã phát huy vai trò kết nối người dân với chính quyền một cách hiệu quả.
Kết nối người dân với chính quyền
Ứng dụng phản ánh hiện trường được triển khai thí điểm tại TP. Buôn Ma Thuột và huyện Cư M’gar vào tháng 5/2021 và nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh vào tháng 5/2023.
Qua đó, người dân dễ dàng phản ánh, cung cấp thông tin vi phạm liên quan đến tất cả lĩnh vực: An toàn giao thông; an ninh trật tự; hạ tầng đô thị; trật tự đô thị; môi trường; quy định hành chính; công vụ, công chức; doanh nghiệp vướng mắc; an toàn thực phẩm; đất đai, xây dựng; hàng hóa, dịch vụ, tiêu dùng; phản hồi thông tin báo nêu; hiến kế xây dựng thành phố thông minh; bảo vệ trẻ em… cho chính quyền địa phương xử lý bằng hình thức trực tuyến tại địa chỉ http://tuongtaccongdan.daklak.gov.vn hoặc tổng đài 0262.1022, hoặc ứng dụng trên thiết bị di động thông minh “Đắk Lắk trực tuyến”.
Ứng dụng phản ánh hiện trường dễ dàng truy cập và sử dụng trên thiết bị điện thoại thông minh. |
Từ khi đi vào hoạt động, nhiều kiến nghị, bức xúc xoay quanh cuộc sống đã được người dân, doanh nghiệp kiến nghị, phản ánh đến chính quyền, lực lượng chức năng nhanh gọn. Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Trần Đức Nhật cho biết, Ứng dụng phản ánh hiện trường đã tiếp nhận, chuyển thông tin đến các cơ quan chức năng của thành phố để xử lý kịp thời những tình huống phát sinh đột xuất ở tất cả lĩnh vực đời sống trên địa bàn. Qua đó, giúp công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực có chuyển biến tích cực, tạo được niềm tin, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Nhận thức về trách nhiệm cũng như công tác phối hợp của các cơ quan, đơn vị có liên quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn; nhận thức của tổ chức, cá nhân trong việc tuân thủ quy định pháp luật được nâng cao, góp phần xây dựng thành phố khang trang, sạch đẹp.
Ứng dụng phản ánh hiện trường là một trong 10 dịch vụ của Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh (IOC tỉnh). Ứng dụng là kênh “cảm biến xã hội” không những giúp cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng xử lý những góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân mà còn đánh giá được kết quả xử lý cũng như công khai, minh bạch, tạo lòng tin trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. |
Theo ông Lê Văn Chung (người dân phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột), từ khi có Ứng dụng phản ánh hiện trường, thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, người dân dễ dàng đăng nội dung ý kiến, ảnh, video clip gửi đến cơ quan chức năng, và có thể theo dõi, giám sát tiến trình xử lý…
Để ứng dụng phát huy hiệu quả
Sau khi thực hiện thí điểm tại TP. Buôn Ma Thuột và huyện Cư M’gar, ngày 10/5/2023 UBND tỉnh ban hành Công văn số 3788/UBND-KGVX về việc triển khai tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân qua dịch vụ phản ánh hiện trường trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, các huyện, thị xã, thành phố triển khai việc tiếp nhận xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân qua dịch vụ phản ánh hiện trường từ ngày 15/5/2023. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, đến ngày 10/7/2023 trên địa bàn tỉnh mới có 7/15 huyện, thị xã, thành phố phát sinh phản ánh của người dân trên ứng dụng Đắk Lắk trực tuyến.
Trong đó, dù triển khai tiếp nhận từ năm 2021 nhưng đến ngày 10/7/2023, TP. Buôn Ma Thuột chỉ mới tiếp nhận được 404 phản ánh, kiến nghị của người dân; huyện Cư M’gar chỉ có 14 phản ánh. Các địa phương còn lại, tiếp nhận phản ánh từ ngày 15/5/2023 như: huyện Ea H’leo chỉ tiếp nhận 6 phản ánh, Krông Búk 6, Krông Năng 4, Krông Ana 2 và Krông Pắc 1.
Một vấn đề nữa là số lượng phản ánh của người dân còn tồn đọng, chưa được xử lý và xử lý quá thời hạn trên hệ thống phản ánh hiện trường khá nhiều. Đơn cử: TP. Buôn Ma Thuột có 290/404 phản ánh, huyện Cư M’gar 6/14 phản ánh, huyện Krông Năng 3/4 phản ánh…
Tổ điều hành đường dây nóng về phản ánh dịch vụ hạ tầng đô thị TP. Buôn Ma Thuột tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân qua dịch vụ phản ánh hiện trường. |
Ứng dụng phản ánh hiện trường là một kênh thông tin quan trọng, tạo sự kết nối người dân với chính quyền địa phương, qua đó giúp chính quyền địa phương nắm bắt thông tin nhanh, kịp thời, đa chiều hơn. Hơn thế nữa, Ứng dụng phản ánh hiện trường còn tiếp nhận, xử lý phản ánh của tổ chức, công dân trên nhiều lĩnh vực của đời sống nhưng những phản ánh được ghi nhận chủ yếu liên quan đến các vấn đề trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường, hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị…
Ứng dụng phản ánh hiện trường là sự phát triển tất yếu trong bối cảnh công nghệ thông tin như hiện nay. Do đó, để phát huy hiệu quả ứng dụng này cũng như để mỗi người dân thực sự là một kênh thông tin quan trọng giúp chính quyền địa phương nắm bắt, xử lý tình hình an ninh - trật tự, đời sống xã hội sâu sát hơn, ngoài việc khẩn trương xử lý các phản ánh của người dân thì cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các dịch vụ đô thị thông minh trên ứng dụng Đắk Lắk trực tuyến.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc