Multimedia Đọc Báo in

Đừng quên thảm họa da cam/dioxin

07:47, 10/08/2023

Tại Đà Nẵng có một công viên được coi là “lá phổi xanh” của thành phố đáng sống - công viên 29/3. Nơi này có một hồ nước rộng mênh mông, cây cối rủ bóng mát, mặt cỏ xanh ngát. Cuối tuần, nhiều gia đình thường đưa con ra đó chơi và câu cá, những con cá ở đây to béo mẫm.

Cách đó không xa, trên đường Hà Huy Tập cũng có một hồ nước rất đẹp, nhất là vào mùa sen, ai đi qua cũng trầm trồ. Nơi đây cũng rất nhiều cá. Tuy nhiên, ở cả hai hồ nước trên, khi câu được cá người ta lại thả. Lý do là hai hồ cá nằm cạnh sân bay Đà Nẵng, trong tổng thể 32,4 ha nhiễm dioxin. Người dân cho rằng cá nơi đây nếu ăn vào thì rất nguy hiểm nên chỉ câu cá giải trí cho vui. Bao năm nay hàng nghìn hộ dân trong và quanh khu vực 32,4 ha nhiễm dioxin ở Đà Nẵng sống trong âu lo.

Nhân Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, xin nhắc lại câu nói của nhà văn Mỹ nổi tiếng Helen Keller: "Tôi đã khóc khi không có giày để đi, cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày". Chúng ta còn nhiều việc phải làm để giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, đồng thời chung tay xử lý các loại chất độc hóa học, trả lại môi trường ban sơ cho Mẹ thiên nhiên.

Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và các ban, ngành của huyện Krông Búk thăm, trao quà tặng nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn. Ảnh minh họa: Kim Oanh
Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và các ban, ngành của huyện Krông Búk thăm, trao quà tặng nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn. Ảnh minh họa: Kim Oanh

Từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% tổng số đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin. Hơn nửa thế kỷ qua, nhân dân Việt Nam phải gánh chịu hậu quả thảm khốc. Khắc phục hậu quả chất độc hóa học là một vấn đề có ý nghĩa to lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học và nhân văn.

Chiến tranh đã lùi xa, chính phủ Mỹ cũng đã nỗ lực cùng Việt Nam xử lý các vấn đề về thảm họa da cam/dioxin. Từ năm 2012 - 2018, Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay quốc tế Đà Nẵng, tổng diện tích đất qua xử lý dioxin là 32,4 ha với kinh phí 110 triệu USD, do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Quốc phòng Việt Nam phối hợp thực hiện, đã hoàn tất.

Sau đó, USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng đã khởi động dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa vào tháng 4/2019. Tháng 6/2022, USAID hoàn thành xử lý khu vực đầu tiên là hồ Cổng 2. Chính phủ Mỹ và Bộ Quốc phòng Việt Nam dự kiến sẽ mất 10 năm để hoàn thành dự án này với chi phí ước tính của dự án là 450 triệu USD. Đến nay, Chính phủ Mỹ đã đóng góp 163,25 triệu USD trong tổng số 300 triệu USD dự kiến sẽ giải ngân.

Việc hoàn thành và tiếp tục xử lý các dự án trên là những cột mốc đáng kể trong mối quan hệ đang mở rộng giữa hai nước. Đấy thực sự là nét đặc trưng tiêu biểu của tầm nhìn được chia sẻ bởi hai nước: sự nhìn nhận trung thực về quá khứ, giải quyết một cách có trách nhiệm các vấn đề còn lại và chuyển một nội dung gây bất đồng thành một nội dung để cộng tác.

Ngoài nguyên nhân chiến tranh, chính mỗi người chúng ta cũng cần phải từ bỏ những thói quen làm phương hại môi trường tự nhiên. Đấy là dùng các hóa chất gây hại, phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu, dùng cyanua để chiết xuất vàng đầu nguồn các dòng sông. Phong trào bảo vệ rừng, trồng rừng tự nhiên cần được đẩy mạnh. Các đô thị phải rợp bóng cây xanh. Các nguồn thực phẩm cung ứng cho đồng bào phải an toàn, vệ sinh… Chỉ như thế mới giúp môi trường sống của người Việt ngày càng được cải thiện.

Hữu Quý


Ý kiến bạn đọc