Multimedia Đọc Báo in

Giá gạo tăng kỷ lục, người bán, người mua cùng lo

08:26, 17/08/2023

Thời gian qua, giá gạo xuất khẩu tăng, giá gạo trong nước cũng đang biến động liên tục theo từng ngày. Việc giá gạo liên tục tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Giá gạo tăng theo từng ngày

Ghi nhận của phóng viên vào ngày 16/8, tại một số cửa hàng, đại lý gạo trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, giá gạo đã tăng mạnh từ 1.500 – 3.500 đồng/kg. Theo các chủ cửa hàng, đại lý bán lẻ thì giá gạo đã bắt đầu tăng từ một tháng trước, nhưng tăng không đáng kể, chỉ khoảng từ 200 - 300 đồng/kg. Tuy nhiên, từ nửa tháng trở lại đây, giá gạo liên tục tăng, mỗi ngày lại có giá mới, có khi từ sáng đến chiều giá gạo đã khác. Có những loại gạo giá nhập bằng, thậm chí là cao hơn cả giá bán trước đây.

Cụ thể, các loại gạo phổ biến như Đài thơm 8, Hương lài, Tứ quý, RVT… đều tăng từ 2.000 - 3.500 đồng/kg. Còn một số loại gạo đặc sản như ST24, ST25 tăng từ 2.500 - 4.000 đồng/kg. Hiện giá bán lẻ loại gạo thấp nhất (gạo nở khô) đang ở mức 14.000 - 15.000 đồng/kg (tăng khoảng 1.500 - 2.000 đồng/kg).

Là chủ một cửa hàng bán lẻ gạo ở đường Phùng Hưng (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột), chị Đặng Thị Bảo Ngọc cho hay, chưa khi nào giá gạo tăng mạnh như năm nay, hiện giá gạo đang tăng theo từng ngày. Cứ mỗi sáng, chị lại phải thay bảng giá mới. Từ thời điểm giá gạo tăng thì sức mua của người dân giảm hẳn, khiến việc buôn bán của chị cũng trở nên khó khăn hơn. “Nếu như trước đây, trung bình một ngày tôi bán khoảng 1 - 2 tạ gạo các loại, thì nay giảm xuống còn 70%. Sức mua của người dân giảm cùng với giá gạo biến động liên tục nên mỗi lần nhập hàng, tôi chỉ dám nhập vài tạ, bán hết lại lấy chứ không dám trữ cả tấn như trước đây. Để giữ chân khách, với những mối hàng quen tôi không dám bán theo giá tăng mà chia lại cho họ với giá nhập vào nên tính ra gần như không có lãi”, chị Ngọc than thở.

Một cửa hàng bán lẻ gạo ở đường Phùng Hưng (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) vắng bóng khách mua hàng vì giá gạo tăng cao.

Giá gạo tăng cao không chỉ khiến các cửa hàng, đại lý bán lẻ gạo gặp khó khăn mà các cơ sở sản xuất những sản phẩm từ gạo và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng "đứng ngồi không yên" khi chi phí đầu vào tăng lên. Đơn cử, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sản xuất bún, miến, phở khô Chi Lăng (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) mỗi ngày sản xuất ra 2,5 tấn thành phẩm các loại nên cần sử dụng khoảng 3 tấn gạo. Theo ông Hà Văn Tuyến, Giám đốc HTX cho biết, từ mức giá 13.000 - 13.500 đồng/kg thì nay giá gạo khô dành cho chế biến đã tăng lên 14.500 – 15.000 đồng/kg. Giá gạo tăng đồng nghĩa chi phí nguyên liệu đầu vào cũng tăng, buộc người sản xuất phải nâng giá thành sản phẩm lên 1.000 - 1.200 đồng/kg. Thế nhưng, nếu tăng giá nhiều vào lúc này sẽ khiến người tiêu dùng khó chấp nhận, kéo theo sức tiêu thụ giảm, ảnh hưởng đến đầu ra nên phía HTX chỉ dám tăng 500 đồng/kg sản phẩm. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế trước mắt, nếu trong thời gian tới giá gạo vẫn cứ đà tăng mạnh như hiện nay thì HTX phải cân nhắc, tính đến việc tạm dừng sản xuất để tránh thua lỗ.

Người tiêu dùng lo lắng

Giá gạo tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến các đơn vị sản xuất, kinh doanh mà đã tác động mạnh đến người tiêu dùng, khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Chị Cao Hoàng Vân (buôn Alê B, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) lo ngại: “Gia đình tôi thường dùng gạo thơm RVT để nấu cơm. Cuối tháng trước tôi còn mua với giá 14.000 đồng/kg thì nay phải mua 16.000 đồng/kg.  Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, mong cơ quan chức năng địa phương sớm có các giải pháp để bình ổn thị trường cũng như tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi ảnh hưởng đến người tiêu dùng”.

Trước bối cảnh thị trường giá gạo trong nước tăng nhanh theo giá gạo xuất khẩu, ngày 3/8 vừa qua, Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc gửi các địa phương phối hợp trong công tác bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung lúa gạo, kiểm soát mức tăng giá lương thực trong nước. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương chỉ đạo sở Công Thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn có phương án về nguồn cung thóc gạo, đảm bảo cung ứng từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán 2024. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn thực hiện việc thu mua, giao hàng theo tiến độ hợp lý và cân đối lượng xuất khẩu, duy trì lượng thóc gạo dự trữ theo quy định nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng lưu ý các doanh nghiệp tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung - cầu cục bộ, đẩy giá thóc, gạo trong nước tăng bất hợp lý.

Người sản xuất miến, bún, phở khô ở phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) lo lắng khi giá nguyên liệu đầu vào tăng.

Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg, ngày 5/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay, ngày 8/8, Tổng cục Quản lý thị trường đã có công văn yêu cầu lực lượng quản lý thị trường các địa phương tăng cường công tác quản lý thị trường, diễn biến cung - cầu, giá bán của mặt hàng gạo.

Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn tăng cường theo dõi sát thị trường giá gạo; kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán để ngăn chặn những hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá mua, giá bán bất hợp lý đối với mặt hàng gạo; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Minh Tâm


Ý kiến bạn đọc