Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Nỗ lực thực hiện bình đẳng giới

08:26, 01/08/2023

Với mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ phát triển, huyện Cư M’gar đã triển khai hiệu quả công tác bình đẳng giới (BĐG), từ đó góp phần bảo đảm quyền của phụ nữ.

Bước chuyển từ nhận thức... đến hành động

Xác định muốn xóa bỏ định kiến về giới, trước hết phải nâng cao nhận thức về giới và BĐG, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng; đồng thời lồng ghép công tác BĐG vào chương trình trọng tâm, trọng điểm của cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn.

Theo đó, nhiều mô hình, câu lạc bộ (CLB) thúc đẩy BĐG và phòng, chống bạo lực gia đình đã được các địa phương triển khai đem lại hiệu quả, nhất là ở vùng có đông phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS). Tiêu biểu có thể kể đến như các CLB: “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phòng, chống bạo lực gia đình”, "Phụ nữ khỏe đẹp, gắn với phòng, chống bạo lực gia đình"... 

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, phụ nữ ở xã Cư M'gar phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Để nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ, người dân về quyền của phụ nữ, Hội Phụ nữ các cấp của huyện đã chủ động tổ chức quán triệt, phổ biến kiến thức về BĐG, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Chị Lục Thị Huệ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Cư M’gar cho biết, hơn 70% dân số của xã là đồng bào DTTS, trong đó chủ yếu là người Tày, Êđê. Hằng năm, hơn 1.500 hội viên phụ nữ được hướng dẫn, tuyên truyền Luật BĐG, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình... Qua đó, hầu hết chị em đều hiểu được quyền, trách nhiệm của mình, chủ động hơn trong phát triển kinh tế gia đình, tham gia các hoạt động xã hội. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn, bạo lực gia đình... trên địa bàn xã giảm rõ rệt.

 

Huyện Cư M’gar có 177 thôn, buôn, tổ dân phố; trong đó có 73 thôn, buôn với hơn 19.500 hộ. Hiện nay, 17/17 xã, thị trấn của huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình; qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc thực hiện BĐG.

Việc thực hiện BĐG ở huyện đã có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, ở lĩnh vực chính trị, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ có năng lực, trình độ, tạo nguồn trong công tác quy hoạch cán bộ, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý trong cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã hội. Vì vậy, số cán bộ nữ của huyện tham chính ngày càng tăng, khẳng định sự tiến bộ BĐG. Minh chứng, tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 chiếm tỷ lệ 18,42%; ở cấp xã chiếm 29,14%. UBND cấp xã (nhiệm kỳ 2021 - 2026) có cán bộ lãnh đạo là nữ chiếm 58,82%; lãnh đạo nữ (từ cấp phó phòng trở lên) ở cấp huyện chiếm 15%...

Tích cực bảo vệ quyền phụ nữ

Theo đánh giá của UBND huyện, sau 15 năm thực hiện Luật BĐG trên địa bàn huyện (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007), nhận thức của cán bộ, đảng viên, người dân về BĐG được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là nhận thức, sự tự tin của bản thân phụ nữ. Từ cơ sở này đã tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện của phụ nữ.

Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm, chăm sóc sức khỏe... ngày càng được quan tâm và phát huy, nhất là phụ nữ nông thôn, sinh sống ở vùng đồng bào DTTS. Đối với lao động nữ có nhu cầu vay vốn được ưu tiên sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo để phát triển kinh tế gia đình; được tham gia các chương trình tập huấn khuyến nông, khuyến lâm nhằm nâng cao  kiến thức, kinh  nghiệm sản xuất, kinh doanh; được tham gia các khóa đào tạo nghề nhằm chuẩn bị những điều kiện cần thiết để có thể tự tạo việc làm, kiếm việc làm hoặc có cơ hội nâng cao chất lượng của quá trình lao động và thăng tiến trong nghề nghiệp.

Phụ nữ Êđê ở xã Cư M'gar được vay vốn ưu đãi để phát triển chăn nuôi thỏ, tăng nguồn thu nhập cho gia đình.

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, thách thức ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của phụ nữ và thực hiện mục tiêu BĐG tại địa phương, như: sự phân tầng xã hội về thu nhập và mức sống còn chênh lệch trong nhân dân; tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ vẫn còn cao; số hộ cận nghèo trong huyện còn nhiều; trình độ học vấn, nghề nghiệp của phụ nữ nhìn chung còn thấp hơn so với nam giới và so với yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tư tưởng trọng nam khinh nữ, phân biệt đối xử với phụ nữ còn biểu hiện ở nhiều mặt, gánh nặng công việc gia đình còn làm cản trở phụ nữ tiến bộ. Bản thân một số phụ nữ vẫn còn ngại tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhất là phụ nữ vùng sâu, DTTS...

Thời gian tới, huyện Cư M’gar tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong thực hiện BĐG, vì sự tiến bộ của phụ nữ, chú trọng tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng gia đình hạnh phúc... nhằm tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ vươn lên làm kinh tế, thụ hưởng các quyền cơ bản của mình một cách bình đẳng và đầy đủ.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.