Multimedia Đọc Báo in

Thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới: Xóa bỏ định kiến giới trong các lĩnh vực (Kỳ cuối)

08:16, 20/05/2021

Kỳ cuối: Để phụ nữ tự bảo vệ và khẳng định mình

Những nỗ lực của các cấp, ngành thời gian qua đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận trong thực hiện bình đẳng giới. Tuy nhiên, định kiến về giới vẫn còn hiện hữu đã gây ra một số hệ lụy. Vì vậy, phụ nữ vẫn cần được hỗ trợ nhằm đổi mới tư duy, hoàn thiện bản thân và mạnh dạn lên tiếng bảo vệ mình.

Phụ nữ vẫn chịu nhiều thiệt thòi

Được xem là đối tượng yếu thế, nên trong những hoàn cảnh giống nhau khi tham gia vào một quan hệ xã hội, quan hệ lao động, quan hệ pháp luật, phụ nữ thường gặp những bất lợi hơn so với nam giới. Vì vậy, mặc dù vị trí, vai trò, tầm ảnh hưởng của phụ nữ ngày nay đã được nâng cao nhưng phần lớn nạn nhân của các vụ việc bạo lực gia đình và mua bán người vẫn chủ yếu là phụ nữ.

Ông Nguyễn Đẩu, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết: Từ năm 2016 đến 2020, toàn tỉnh xảy ra 2.156 vụ bạo lực gia đình, với 2.181 nạn nhân, trong đó có 1.353 nạn nhân là nữ bị bạo lực về tinh thần, thân thể, tình dục và kinh tế. Nhiều chị em bị chồng cấm đoán tham gia các hoạt động xã hội, bị ép buộc mang thai hoặc phá thai ngoài ý muốn, thậm chí bị đánh đập bất kỳ lúc nào. Nhiều vụ việc bạo lực đã để lại hậu quả đau lòng như vợ bị chồng đánh tử vong hoặc con gái bị cha ruột cưỡng bức nhiều lần...

Giờ học môn Tiếng Việt của học sinh Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (xã Ea Trang, huyện M'Drắk).
Giờ học môn Tiếng Việt của học sinh Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (xã Ea Trang, huyện M'Drắk).

Chỉ tính riêng trong năm 2020, toàn lực lượng Công an tỉnh đã tiếp nhận 11 tin về bạo lực gia đình liên quan đến giết người, cố ý gây thương tích, làm 1 người chết và 10 người bị thương, nạn nhân là nữ giới và trẻ em. Công an tỉnh đã tiến hành xử lý hình sự 2 vụ, xử lý hành chính 8 vụ, 1 vụ đang xác minh, điều tra. Thượng tá Trần Đức Vịnh, Phó Trưởng Phòng hình sự, Công an tỉnh cho biết: Cùng với hoạt động truyền thông, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiêm túc triển khai công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra, xác minh các vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình, triển khai các giải pháp can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh trong công tác điều tra, truy tố, xét xử kịp thời các vụ việc bạo lực gia đình nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, nhất là phụ nữ.

Không chỉ bị bạo lực gia đình, phụ nữ còn là đối tượng chủ yếu bị lừa bán. Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội LHPN tỉnh, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 10 phụ nữ dân tộc thiểu số bị lừa bán sang Trung Quốc, nạn nhân thuộc các huyện: Ea Súp, Ea H’leo, Cư Kuin và TP. Buôn Ma Thuột. Mặc dù các trường hợp bị lừa bán đã trốn về địa phương và được Hội LHPN các cấp hỗ trợ vượt qua khó khăn, vươn lên làm lại cuộc đời nhưng vẫn để lại nhiều tổn thương tâm lý cho bản thân và gia đình họ.

Tạo điều kiện để phụ nữ khẳng định mình

Thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-CP, ngày 3-3-2021 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 – 2030. Mục tiêu của kế hoạch nhằm tạo điều kiện, cơ hội để nữ giới và nam giới tham gia, hưởng thụ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách giới.

 

Việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới không chỉ là trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương mà cần có sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân và chính bản thân phụ nữ”.

Trưởng Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho hay, bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, địa phương, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới. Trong đó, tăng cường công tác tuần tra biên giới, kiểm soát không để vượt biên, xâm nhập trái phép; nhân rộng mô hình “Gia đình phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới”, “Phụ nữ phòng chống vượt biên, xâm nhập”; tiếp tục phối hợp với Hội LHPN tỉnh triển khai Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”...

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh H’Yim Kđoh, để thực hiện mục tiêu, các chỉ tiêu bình đẳng giới, cần quan tâm xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện công tác quy hoạch gắn với bố trí, sử dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nữ cán bộ, công chức, viên chức với các chỉ tiêu cụ thể và giải pháp khả thi. Bảo đảm các điều kiện để phụ nữ được tiếp cận đầy đủ và bình đẳng các nguồn lực kinh tế, hỗ trợ tìm việc làm, đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ năng, cách quản lý, kinh doanh, phát triển kinh tế.

Tuyên truyền bình đẳng giới và chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình tại xã Dur Kmăn (huyện Krông Ana).
Tuyên truyền bình đẳng giới và chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình tại xã Dur Kmăn (huyện Krông Ana).

Đẩy mạnh việc xây dựng gia đình văn hóa và nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình; phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và buôn bán người. Đa dạng hóa các loại hình chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với từng giới. Đưa nội dung bình đẳng giới vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục – đào tạo; có chính sách khuyến khích trẻ em gái, phụ nữ nông thôn tham gia học tập nâng cao trình độ. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về giới trên các phương tiện thông tin đại chúng với các hình thức đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng nhóm đối tượng, khu vực. Cùng với đó, bản thân mỗi phụ nữ cũng cần thoát khỏi định kiến giới, nỗ lực học tập, nâng cao trình độ mọi mặt và tự tin, mạnh dạn lên tiếng, đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.