Multimedia Đọc Báo in

Sáng một lối về (kỳ 4)

08:04, 08/08/2023

Kỳ cuối: Quê hương là “miền đất hứa”

Không chỉ tạo điều kiện giúp đỡ các đối tượng hồi hương trở về, để ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép, tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn bó với quê hương, chăm lo cải thiện đời sống, các địa phương đã và đang nỗ lực triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Cuộc sống ngày càng được cải thiện, với nhiều người dân ở các buôn làng, quê hương chính là “miền đất hứa”, không cần tìm đâu xa…

Buôn làng khởi sắc

Trung tá Hồ Phi Nam, Phó Trưởng Công an huyện M’Drắk cho biết, trước năm 2019 tình hình vượt biên trái phép diễn ra khá phức tạp, nhưng những năm gần đây trên địa bàn huyện không có trường hợp nào trốn ra nước ngoài. Đó không chỉ là nỗ lực tuyên truyền, vận động của các cơ quan chức năng mà còn là kết quả của việc triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống của đồng bào DTTS ở địa phương.

Xã Cư Króa có đông đồng bào DTTS, trong đó có 2 thôn đồng bào Mông di cư là thôn 7, thôn 9, thường được nhắc đến là vùng đất chất chồng những khó khăn do giao thông cách trở, người dân đói nghèo, điện - đường - trường - trạm đều thiếu. Nhưng nay cuộc sống người dân nơi đây đã có nhiều đổi thay… Bí thư Đảng ủy xã Cư Króa Đào Xuân Thành thông tin, những năm qua xã được ưu tiên đầu tư từ nhiều nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo sinh kế cho bà con. Hiện nay hạ tầng giao thông, thủy lợi đã được đầu tư cơ bản, trục đường chính của xã đã được bê tông hóa và đến năm 2025 sẽ kiên cố hóa trục đường chính vào hai thôn đồng bào Mông. Cuối năm 2022, Nhà nước đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng xây dựng cây cầu kiên cố bắc qua sông vào thôn 9, chấm dứt tình trạng mùa lũ thường trôi cầu tạm, cô lập địa bàn thôn như những năm trước đây. Cùng với đó, các chính sách về phát triển vùng DTTS, an sinh xã hội đều được triển khai; đặc biệt, kinh tế lâm nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của xã bởi bà con phát triển rất mạnh các mô hình trồng rừng nguyên liệu. Hầu hết các gia đình đồng bào Mông đều trồng keo nguyên liệu và có thu hoạch khá, chẳng hạn như gia đình anh Ma Văn Quán (thôn 7), ngoài trồng 3 sào lúa hai vụ đủ ăn quanh năm, còn có 3 ha keo lai vụ đầu thu hoạch mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng…

Đường giao thông trên địa bàn xã Cư Króa (huyện M'Drắk) được đầu tư xây dựng từ ngân sách nhà nước. Ảnh: N. Xuân

Kpă Y Nek (Ama Chem) trở về buôn Drai Điết (xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo) đã 8 năm. Suốt thời gian ấy, anh cảm nhận rõ rệt buôn làng thay đổi từng ngày. Con đường trước nhà anh nay đã được bê tông hóa, mở rộng khang trang, có đèn đường chiếu sáng ban đêm; nhiều bà con trong buôn cũng đã xây dựng được nhà cửa khang trang, sắm sửa nhiều tiện nghi cho cuộc sống; trẻ em trong buôn đều được đến trường.

Không chỉ buôn Drai Điết, diện mạo 16 thôn, buôn ở xã Dliê Yang đã khởi sắc rất nhiều. Ông Nguyễn Thái Khoa, công chức văn hóa - xã hội xã cho hay, Dliê Yang là xã về đích nông thôn mới đầu tiên của huyện Ea H’leo và đang phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Trong những năm qua, các thôn, buôn đã được đầu tư xây dựng rất nhiều về kết cấu hạ tầng, cùng với đó đời sống của người dân, nhất là đồng bào DTTS, đã được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm chỉ còn 5%.

Với cộng đồng bà con dân tộc J’rai ở 5 buôn thuộc thị trấn Ea Súp và buôn Thal (xã Ea Rốk, huyện Ea Súp) - nơi từng có nhiều đối tượng vượt biên trái phép sau các vụ gây rối năm 2001, 2004, điều phấn khởi nhất là Nhà nước không chỉ triển khai nhiều chủ trương, chính sách chăm lo đời sống đồng bào mà còn tạo điều kiện thuận lợi để người dân được sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trong khuôn khổ của pháp luật. Ông Y Lel Rchăm, già làng, người có uy tín ở buôn Thal cho hay, điểm nhóm Tin lành trong buôn được công nhận hoạt động hợp pháp, chính quyền huyện, xã còn thường xuyên quan tâm, động viên, đến thăm, tặng quà bà con tín đồ vào những dịp lễ trọng. Một số đối tượng trong buôn từng tham gia gây rối, vượt biên trái phép nay đã trở về cuộc sống bình thường, chí thú làm ăn, gắn bó với buôn làng.

Tiếp tục đầu tư bằng nhiều quyết sách

 

Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025, cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giảm từ 26,74% xuống còn 23,08%, giảm 3,66% so với cuối năm 2021; số hộ nghèo giảm từ 41.515 hộ xuống còn 35.982 hộ, giảm 5.533 hộ.

Những năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh luôn xem công tác dân tộc và việc thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào DTTS là ưu tiên hàng đầu.

Sau những vụ gây rối các năm 2001, 2004, trên địa bàn huyện Ea Súp có 22 đối tượng vượt biên, xảy ra tại 5 buôn thuộc thị trấn Ea Súp và buôn Thal (xã Ea Rốk), chủ yếu là các phần tử FULRO lưu vong hoặc bị lôi kéo, dụ dỗ. Để ổn định cuộc sống cho các đối tượng và người dân, thực hiện Quyết định 132 của Chính phủ, năm 2006 huyện đã thực hiện cấp đất ở, đất sản xuất cho 394 hộ DTTS tại thị trấn Ea Súp và các xã Ea Rốk, Ia Jlơi; triển khai dự án cấp đất sản xuất 510 ha ở khu vực giữa thị trấn Ea Súp và xã Cư Mlan; xây nhà kết nghĩa cho đối tượng hồi hương có hoàn cảnh khó khăn… Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, huyện đã triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg tại 8 xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS đồng bộ trên tất cả các mặt như: đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nước sinh hoạt, hỗ trợ sản xuất, giáo dục, y tế… với 10 dự án lớn. Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp Phạm Công cho biết, nghị quyết của Đảng bộ huyện đặt ra mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm (trong đó tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS giảm từ 5,5%/năm trở lên).

Huyện M’Drắk hiện có 19.241 hộ với 81.117 nhân khẩu, trong đó đồng bào DTTS chiếm 48,69%. Trong những năm qua, huyện đã tập trung giải quyết đất ở, nhà ở, đất sản xuất; giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho con em đồng bào DTTS; tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm từ 6 - 7%...

Hộ nghèo, đồng bào DTTS huyện Krông Búk được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất. Ảnh: N. Xuân

Theo đánh giá của Tỉnh ủy về kết quả thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư về công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS và Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh tại buổi làm việc với Ban Dân vận Trung ương (tháng 6/2023), các chủ trương, chính sách như tăng cường đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác kết nghĩa với các buôn đồng bào DTTS; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu; đầu tư phát triển bền vững và sử dụng nguồn lực vùng DTTS và miền núi… phát huy hiệu quả rõ rệt. Qua đó, hạ tầng cơ sở từng bước được hoàn thiện, đặc biệt là hệ thống đường giao thông nông thôn, thủy lợi, trạm y tế, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học...; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm đáng kể…

Với phương châm ưu tiên chăm lo đời sống của đồng bào DTTS, giúp đồng bào tiếp tục an cư, thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, cấp ủy, chính quyền các địa phương của tỉnh vẫn đang nỗ lực bằng nhiều phương cách để hỗ trợ sinh kế cho đồng bào. Tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; theo đó năm 2023 đã phân bổ nguồn kinh phí 464.241 triệu đồng từ ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh để giải quyết đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư; đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu; đầu tư cho giáo dục đào tạo và bảo tồn văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch.

Cùng với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận, dân tộc, tỉnh cũng tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác kết nghĩa với các buôn đồng bào DTTS. Đặc biệt, năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai Đề án về tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc giai đoạn 2022 – 2026; Nghị quyết về xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới… Đây được kỳ vọng là những quyết sách tạo nên những chuyển biến tích cực về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh.

Vân Lam - Hồng Thủy - Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.