Multimedia Đọc Báo in

Ấm áp ngày Tết Độc lập

08:25, 05/09/2023

Dù thời tiết không thuận lợi, nhưng kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm nay vẫn diễn ra ấm áp với nhiều hoạt động tưng bừng, rộn rã khắp nơi, từ khu dân cư đến các điểm văn hóa, du lịch...

Thắm màu niềm tin

Đối với mỗi người dân Việt Nam, Quốc khánh 2/9 bao giờ cũng là ngày đặc biệt. Từ thành thị đến nông thôn, từ các tuyến phố sầm uất đến đường làng ngõ xóm yên ả đều rợp sắc cờ đỏ sao vàng chào mừng Tết Độc lập. Cờ Tổ quốc tung bay là hình ảnh thiêng liêng khiến mỗi người thêm xúc động, từ đó thêm trân trọng giá trị của hòa bình, của độc lập, tự do.

Ông Lê Đình Huấn (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) tâm sự: “ Không riêng gì ngày Quốc khánh mà cứ đến các ngày lễ lớn trong năm của đất nước, của tỉnh, gia đình tôi đều chủ động treo cờ Tổ quốc. Được sống trong hòa bình và độc lập của ngày hôm nay chính là nhờ sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước; treo cờ Tổ quốc là một cách thể hiện tình cảm, sự trân trọng, biết ơn”.

Nhiều du khách và người dân đến vui chơi, tham quan, chụp ảnh tại đường Phan Đình Giót.

Dịp lễ năm nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức trồng cây bàng vuông do huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) gửi tặng nhân dịp Đoàn công tác số 7 của Tỉnh ủy thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 từ ngày 21 - 28/4 . Ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, một trong những thành viên Đoàn công tác số 7 cho biết, cây bàng vuông có giá trị tinh thần lớn lao đối với người dân Việt Nam, vì đó là loài cây đặc hữu của Trường Sa. Giữa sóng gió khắc nghiệt, bàng vuông vẫn sinh sôi nảy nở giống như người chiến sĩ kiên cường bám trụ với Trường Sa, hứng chịu phong ba, bão táp để canh giữ biển trời Tổ quốc.

Nay một trong hai cây bàng vuông được huyện đảo Trường Sa trao tặng đã được trồng tại Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột, vào một ngày rất đặc biệt với ý nghĩa là cầu nối giữa đất liền với biển đảo quê hương, như tiếp thêm sức mạnh, động lực giúp các chiến sĩ vững chắc tay súng nơi đầu sóng ngọn gió, kiên cường bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Lãnh đạo Bảo tàng Đắk Lắk cho biết, cây bàng vuông sẽ là một trong những “hiện vật sống” tại Nhà đày để giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ; được giới thiệu nhiều hơn đến người dân và du khách khi đến thăm nơi này; từ đó, lan tỏa tinh thần, có nhiều hoạt động ý nghĩa hơn nữa hướng về biển đảo quê hương.

Lan tỏa nét đẹp văn hóa

Quốc khánh 2/9 là một ngày lễ trọng đại, nhắc nhở mọi người nhớ về cội nguồn, nhớ về một mốc son lịch sử của dân tộc Việt Nam, cũng là dịp để gặp gỡ, giao lưu, gắn kết tình thân, tạo thêm nét đẹp văn hóa.

Trong dịp lễ năm nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức nhiều hoạt động chào mừng, như: Trưng bày, triển lãm sách và xe thư viện lưu động “Ánh sáng tri thức” phục vụ bạn đọc; trình diễn thời trang “Tự hào bản sắc dân tộc”; chương trình trải nghiệm “Nghệ thuật Xòe Thái” với chủ đề "Noọng ơi"; trưng bày, triển lãm ảnh nghệ thuật về vùng đất Tây Nguyên, văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên và danh lam thắng cảnh của tỉnh... Mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng với sự chuẩn bị chu đáo của đơn vị tổ chức, hầu hết các hoạt động vẫn diễn ra theo kế hoạch, phục vụ nhân dân và du khách tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm.

Du khách trải nghiệm đội chiếc khăn piêu và diện trang phục truyền thống của người Thái tại Bảo tàng Đắk Lắk.

Chị Hoàng Thị Diện (huyện Buôn Đôn) bày tỏ: "Nhân dịp ngày nghỉ lễ, tôi cùng với gia đình đến thăm và vui chơi tại Bảo tàng Đắk Lắk, có cơ hội được trải nghiệm chương trình “Nghệ thuật Xòe Thái” đang diễn ra ở đây. Qua sự chia sẻ của các nghệ nhân, tôi đã biết nguồn gốc của chiếc khăn piêu, trải nghiệm múa xòe, nhảy sạp, đặc biệt là thưởng thức ẩm thực… rất thú vị và hấp dẫn”.

Một chương trình được xem là “ngoài kế hoạch” nhưng là một điểm nhấn thú vị trong những ngày nghỉ lễ đó là “check in”, chụp ảnh với mùa thu Hà Nội trong lòng Ban Mê tại đường Phan Đình Giót. Những chiếc xe chở hoa rực rỡ sắc màu mang hình ảnh của mùa thu Hà Nội đã giúp người dân và du khách lưu giữ những bức ảnh đẹp. Anh Trần Minh Tuấn, một du khách đến từ Kon Tum cho hay, anh cùng gia đình đến Bảo tàng Đắk Lắk tham quan, khi đi qua con đường này rất ấn tượng với hàng cây cao, xanh mát, có nhiều xe hoa được trưng bày đẹp mắt, người dân tập trung vui chơi đông đúc, nên đã nán lại đây lâu hơn để lưu giữ những khoảnh khắc đặc biệt.

Nhiều điểm, khu du lịch, quán cà phê có view đẹp, các khu vui chơi giải trí… cũng được người dân, du khách ghé thăm và tận hưởng những khoảnh khắc ấm áp bên người thân.

Các hoạt động trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh, không chỉ tạo không khí vui tươi, phấn khởi, mà còn hun đúc thêm niềm tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước và ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy, lan tỏa văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn; ghi dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách về một Đắk Lắk văn minh, thân thiện, mến khách.

Theo thống kê của  Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong dịp Lễ Quốc khánh 2/9 (từ ngày 1 - 4/9), tổng số khách tham quan tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt 48.500 lượt người, khách lưu trú ước đạt 26.000 lượt người, tăng 36,84% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có 850 lượt khách quốc tế.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.