Multimedia Đọc Báo in

Huyện vùng biên nỗ lực giảm nghèo

08:19, 29/09/2023

Ea Súp là huyện biên giới, kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao. Bởi vậy, công tác giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân.

Nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, huyện Ea Súp đã rà soát, lập kế hoạch, lựa chọn ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu. Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2023, địa phương triển khai 10 công trình giao thông, trường học, với tổng kinh phí 36,5 tỷ đồng. Một nguồn lực quan trọng khác cho giảm nghèo ở huyện biên giới là nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Đến nay đang có 11.000 hộ vay vốn tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ea Súp với tổng dư nợ hơn 444 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã giúp hàng nghìn hộ có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được huyện Ea Súp xem là một trong những giải pháp thiết thực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Cụ thể, năm 2021, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện đã tổ chức 17 lớp đào tạo nghề cho 571 lao động nông thôn, với các ngành nghề đào tạo như chăn nuôi bò, trồng và chăm sóc cây điều, trồng rau an toàn. Năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, có 13 lớp đào tạo nghề được mở cho 455 lao động.

Vườn cây ăn trái của anh Lê Văn Thanh (xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp) cho thu nhập cao.

Bên cạnh công tác dạy nghề, chính sách hỗ trợ khuyến nông cũng được huyện Ea Súp tập trung triển khai. Từ năm 2021 đến nay, ngành nông nghiệp và các cơ quan chuyên môn khác đã mở 60 lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật cây trồng, vật nuôi tại các xã, thị trấn cho 1.605 lượt người; xây dựng 4 mô hình sản xuất lúa chất lượng cao tại xã Ea Lê, Cư Kbang và thị trấn Ea Súp.

 

Thực hiện thỏa thuận hợp tác về phái cử và tiếp nhận lao động đi làm việc thời vụ ở nước ngoài với chính quyền thành phố Iksan (tỉnh Jeollabuk, Hàn Quốc) năm 2023, huyện Ea Súp đã tuyển chọn và đưa 112 lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc. Theo chương trình này, người lao động làm công việc trồng trọt, thu hoạch, quản lý cây trồng tại các nông trại trong thời gian 3 tháng, mức lương khoảng 38 triệu đồng/tháng, chưa kể làm thêm giờ.

Cùng với đó, huyện Ea Súp chú trọng hỗ trợ, tạo điều kiện về phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; huy động nguồn lực của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hảo tâm và đóng góp của nhân dân cho công tác giảm nghèo. Đồng thời, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở để các chính sách về giảm nghèo được thực thi hiệu quả.

Theo thống kê của UBND huyện Ea Súp, đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm 4% so với năm 2021, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 42,71%. Điều đáng ghi nhận là bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân đã mạnh dạn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Đơn cử như trường hợp gia đình chị Lê Thị Duyên (thôn 7, xã Cư Mlan) trước đây thuộc diện nghèo. Từ số vốn 60 triệu đồng vay Ngân hàng Chính sách xã hội, chị đầu tư chăm sóc 2 ha cao su, làm chuồng trại chăn nuôi gà, lợn nên gia đình chị đã thoát nghèo, thu nhập 80 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí. Một trường hợp khác là gia đình anh Lê Văn Thanh (thôn 14, xã Ya Tờ Mốt). Từ hai bàn tay trắng, đến nay anh đã gây dựng được trang trại trồng cây ăn trái diện tích hơn 2 ha, lợi nhuận 100 triệu đồng/năm.

Tham quan mô hình trồng dừa của người dân xã biên giới Ia Rvê, huyện Ea Súp.

Năm 2023, huyện Ea Súp đặt mục tiêu giảm 4% tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025); 100% hộ nghèo được tiếp cận các chính sách về giáo dục, y tế; 40% số hộ nghèo được tiếp cận các chương trình khuyến nông; 100% hộ nghèo thiếu vốn, có nhu cầu vay vốn và đủ điều kiện đều được đáp ứng kịp thời.

Theo Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững huyện Ea Súp, chỉ tiêu đề ra khá cao nên cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực triển khai các giải pháp, phương án hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo; kiện toàn Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp nhằm tổ chức tốt việc điều tra, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo cách tiếp cận đa chiều, đảm bảo công khai, dân chủ, đúng đối tượng; huy động tốt nguồn lực từ ngân sách và xã hội hóa hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo; Ủy ban MTTQ và các đoàn thể triển khai xây dựng, nhân rộng mô hình tương trợ, phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp nhau thoát nghèo… Đặc biệt, Chương trình giảm nghèo bền vững được lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia khác như Chương trình xây dựng nông thôn mới, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ông Phạm Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết, giải pháp trọng tâm trong công tác giảm nghèo tại địa phương là triển khai đồng bộ, kịp thời các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững như: đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, y tế, nhà ở, điện, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường. Đồng thời, thực hiện các phong trào thi đua giảm nghèo, khích lệ ý chí thoát nghèo và vươn lên làm giàu của người dân.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.