Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

08:05, 11/09/2023

Những năm qua, huyện Lắk đã tích cực triển khai Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025” (Đề án) trên nền tảng tiếng mẹ đẻ, giúp học sinh làm quen với tiếng Việt.

Đa dạng hình thức tăng cường tiếng Việt

Với đặc thù có khoảng 60% học sinh là người DTTS, ngành giáo dục huyện Lắk đã xây dựng Đề án dựa trên điều kiện thực tế của địa phương, bắt đầu từ bậc mầm non đến tiểu học trên nền tảng là tiếng mẹ đẻ (hay còn gọi là tiếng DTTS). Theo đó, giáo viên chủ động học tiếng DTTS để giao tiếp, tương tác với học sinh; dạy học sinh nói tiếng Việt…

Học sinh Trường Mầm non Hoa Mai (xã Đắk Phơi) tập làm tiểu thương trong góc học tập của lớp.

Trường Mầm non Hoa Mai (xã Đắk Phơi) mỗi năm học có khoảng 400 học sinh, trong đó trên 95% là học sinh DTTS, chủ yếu là dân tộc Êđê, M’nông… Do đó, việc dạy học gặp rất nhiều khó khăn do học sinh chủ yếu chỉ nói tiếng dân tộc mình. Cô Vũ Thị Minh Thu, người đã dạy học ở đây 12 năm cho hay, các em mới đi học rất nhút nhát, ngại trò chuyện, thường chỉ giao tiếp với bạn bè trong lớp bằng tiếng của dân tộc mình. Vì thế, mỗi giáo viên phải tự học tiếng để đón trẻ, trò chuyện, gần gũi với các em. Khi đã quen với bạn bè, giáo viên thì học sinh sẽ được học tiếng Việt trong các hoạt động trong và ngoài lớp học.

Trường Mẫu giáo Hoa Mai đã xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt trong và ngoài lớp học với các thông tin, dữ kiện phù hợp với năng lực của trẻ và điều kiện thực tế của trường: xây dựng kế hoạch tăng cường tiếng Việt theo giai đoạn, năm học, lứa tuổi học sinh; lồng ghép nội dung tăng cường tiếng Việt vào từng chủ đề, kế hoạch tuần, từng buổi học; xây dựng khung thời gian học tiếng Việt cố định vào 15 phút đầu giờ mỗi buổi học; khuyến khích phụ huynh nói tiếng Việt tại trường, tại nhà, khi đưa đón con… Cô Lê Thị Trà Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Mai chia sẻ, phương pháp giáo dục trực quan được chú trọng thông qua việc dán chữ viết tiếng Việt vào đồ chơi, đính tên cây lên thân cây, ghế đá để trẻ học (thấy, đọc, nhắc lại, ghi nhớ); tổ chức các hoạt động đọc thơ, ca dao, đồng dao giúp trẻ phát âm lưu loát…

Tương tự, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (xã Yang Tao) cũng đa dạng hóa hình thức tăng cường tiếng Việt, tăng thời lượng môn tiếng Việt bằng những tiết luyện tập tiếng Việt vào buổi chiều các ngày trong tuần; tổ chức trò chơi tập thể, hoạt động văn nghệ, thể thao để học sinh tham gia với tinh thần xung phong nhằm khuyến khích sự chủ động giao tiếp tiếng Việt của học sinh. Đồng thời lựa chọn đội tuyển tham gia các hoạt động giáo dục cấp phòng để khuyến khích sự giao lưu của học sinh, học hỏi kinh nghiệm thực tế của giáo viên…

Tăng sự tương tác với học sinh và phụ huynh DTTS

Việc dạy tiếng Việt cho học sinh ở huyện Lắk vẫn gặp nhiều khó khăn do tỷ lệ học sinh DTTS cao (nhiều trường có tỷ lệ học sinh DTTS chiếm trên 90% tổng số học sinh). Mặt khác, một số phụ huynh thiếu sự phối hợp với nhà trường trong hoạt động giáo dục; ngành giáo dục lại thiếu giáo viên nên khó tăng thời lượng dạy tăng cường tiếng Việt… Bản thân các em học sinh ngại nói tiếng Việt tại trường, về nhà lại không có nhiều môi trường nói tiếng Việt, dẫn đến việc học tiếng Việt ở một số trường hợp chưa đạt hiệu quả.

Tiết học chính khóa của học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (xã Yang Tao).

Thầy Nguyễn Hữu Cương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong trăn trở, trường có trên 99% học sinh là người DTTS; đặc biệt là nhiều học sinh có bố mẹ đi làm ăn xa, các em ở nhà với ông bà nên ít được quan tâm, sự tương tác, phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong hoạt động giáo dục còn hạn chế. Điều này khiến việc học tiếng Việt cũng như các hoạt động giáo dục khác bị cản trở bởi học sinh phải ôn bài cũ, đọc bài mới ở nhà trước khi tới trường thì việc học mới đạt kết quả tốt được. Đặc biệt, với học sinh DTTS thì tiếng Việt giống như ngoại ngữ, cần được sử dụng và trau dồi thường xuyên mới hiệu quả.

Theo đánh giá của Phòng GD-ĐT huyện Lắk, trong quá trình triển khai Đề án, ngành giáo dục địa phương đã quán triệt đến các cơ sở giáo dục về việc tạo môi trường sử dụng tiếng Việt trên nền tảng tiếng DTTS để khơi gợi sự tò mò của học sinh; giúp học sinh vận dụng tiếng Việt trong cuộc sống…

Thời gian tới, Phòng tiếp tục hướng dẫn các cơ sở giáo dục tự biên soạn, sưu tầm tài liệu, tranh ảnh phù hợp với trẻ em và học sinh DTTS nhằm giúp học sinh nhớ từ, tạo sự hứng thú trong học tập…

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Lắk nhấn mạnh, địa phương sẽ tiếp tục bồi dưỡng tiếng DTTS cho giáo viên dạy trẻ em người DTTS; huy động cán bộ hưu trí và hội viên của các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn tham gia làm cộng tác viên hỗ trợ tiếng Việt cho phụ huynh người DTTS gắn với công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ cho người lớn và xây dựng xã hội học tập…

Huyện Lắk đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 40% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ, 90% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo (100% trẻ em trong cơ sở giáo dục) được tăng cường tiếng Việt; 100% học sinh tiểu học được tập trung tăng cường tiếng Việt...

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.