Multimedia Đọc Báo in

Cư Êwi vững tin trên hành trình phát triển

07:00, 30/10/2023

Trải qua chặng đường 30 năm hình thành và phát triển, được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương, nhân dân trên địa bàn xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin) đã sát cánh cùng đảng bộ, chính quyền địa phương vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu trên mọi lĩnh vực, góp phần tạo nên sự “thay da, đổi thịt” của Cư Êwi.

Biến khó khăn thành động lực

Xã Cư Êwi được thành lập trên cơ sở tách 3.985 ha diện tích tự nhiên với 8.236 nhân khẩu, bao gồm: thôn 1, thôn 2, thôn 3, thôn Kinh tế mới tự do và Nông trường Việt Đức 5 của xã Ea Ktur theo Nghị định số 77/NĐ-CP ngày 30/10/1993 của Chính phủ ban hành về việc phân vạch lại địa giới xã thuộc các huyện Cư M’gar, Krông Ana, Ea Kar, M’Drắk, Krông Nô thuộc tỉnh Đắk Lắk.

Những ngày đầu thành lập trong bối cảnh hết sức khó khăn, đất đai cằn cỗi, kết cấu hạ tầng của xã còn thiếu và yếu, điện, đường, trường, trạm chưa được đầu tư, y tế, giáo dục chưa được quan tâm đúng mức, ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Từ một xã ban đầu phát triển kinh tế thuần nông với vỏn vẹn vài chục héc ta lúa do nhân dân tự khai phá, kênh mương thủy lợi tự tạo và một số diện tích đất trồng rau màu ít ỏi, đến nay xã Cư Êwi đã có bước phát triển nhanh, mạnh mẽ.

Toàn xã có hơn 2.000 ha đất sản xuất nông nghiệp hằng năm và lâu năm. Kinh tế đã có sự chuyển dịch dần từ nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người tăng theo từng năm. Lĩnh vực văn hóa - xã hội đã có những bước phát triển vượt bậc và nhiều khởi sắc, quốc phòng - an ninh được giữ vững.

Cơ giới hóa trong trong sản xuất nông nghiệp tại xã Cư Êwi. Ảnh: Vạn Tiếp

Ngay từ những ngày đầu thành lập, nhận thức rõ vai trò lãnh đạo của Đảng là yếu tố then chốt trong triển khai các nghị quyết, chủ trương, đường lối phát triển địa phương, suốt 30 năm qua, Đảng bộ xã thường xuyên quan tâm xây dựng và phát triển, không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Với 17 chi bộ trực thuộc, 226 đảng viên, trong nhiều năm qua, Đảng bộ xã Cư Êwi luôn được đánh giá là đảng bộ trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có chi bộ yếu kém.

Bí thư Đảng ủy xã Cư Êwi Bùi Văn Lợi cho biết, kế thừa và phát huy những kết quả của thế hệ cán bộ, lãnh đạo tiền nhiệm, Đảng bộ xã Cư Êwi đã đoàn kết một lòng, triển khai thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua, đồng thời tuyên truyền quần chúng nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.

Đặc biệt, trong công tác quy hoạch, ươm nguồn cán bộ, xã luôn ưu tiên phát triển cán bộ trẻ, cán bộ nữ và cán bộ người dân tộc thiểu số có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, xem đây là khâu then chốt nhằm khơi dậy ý chí, khát vọng cống hiến, năng động, nhiệt huyết, cổ vũ tinh thần sáng tạo, tăng cường đoàn kết nội bộ, chung tay đưa xã Cư Êwi ngày càng phát triển.

Phát huy nội lực – tranh thủ ngoại lực

Về Cư Êwi hôm nay, một trong những đổi thay rõ nét dễ nhận thấy nhất đó là hệ thống đường giao thông đã và đang được đầu tư bài bản, các tuyến đường huyết mạch được xây dựng khang trang, thuận tiện phục vụ nhu cầu giao thương và đi lại của người dân. Nhiều công trình giao thông huyết mạch xuống cấp lâu năm cũng được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Cư Kuin bố trí hàng chục tỷ đồng để thực hiện như: cầu Chăn Nuôi, tuyến đường liên xã nối Cư Êwi đến trung tâm huyện…

Hiện, xã cũng đã tiến hành kêu gọi xã hội hóa xây dựng chợ trung tâm xã với số vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong năm 2023 nhằm góp phần nâng cao tiêu chí hạ tầng thương mại nông thôn. Nhờ phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, xã Cư Êwi đã đạt 15/19 tiêu chí và phấn đấu về đích nông thôn mới trước năm 2025.

Cầu Chăn Nuôi được đầu tư xây mới tạo sự thuận lợi trong giao thương, đi lại của người dân xã Cư Êwi. Ảnh: H. Chuyên

Xác định phát triển kinh tế phải hài hòa với phát triển văn hóa, nhất là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, với đặc thù 17 dân tộc anh em, trong đó chủ yếu là người dân tộc thiểu số từ miền núi phía Bắc vào sinh sống trên địa bàn xã, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã thống nhất tổ chức Lễ hội dân gian Việt Bắc với quy mô cấp xã định kỳ hằng năm vào dịp Tết đến xuân về; tuyên truyền quần chúng nhân dân nêu cao tinh thần tự tôn dân tộc, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, bảo tồn và phát triển các làn điệu dân ca, trang phục truyền thống; tổ chức các hội thi, thành lập câu lạc bộ hát then, đàn tính…

Ngoài ra, xã cũng tập trung làm tốt công tác cải cách hành chính, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, trong đó lấy hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, sự hài lòng của tổ chức, cá nhân làm mục tiêu phấn đấu.

Là một trong những người dân di cư từ phía Bắc vào và gắn bó với xã Cư Êwi từ những ngày sơ khai, ông Hoàng Văn Ngự, Trưởng thôn 2 phấn khởi chia sẻ: “Những cây cầu, con đường mới, trường học, trạm y tế được đầu tư khang trang, bài bản là minh chứng rõ nét nhất về sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy, chính quyền các cấp với người dân xã Cư Êwi. Thành tựu đã đạt được trong 30 năm qua của xã nhà đã tạo động lực và kỳ vọng cho mỗi người dân Cư Êwi về sự phát triển phồn thịnh, chuyển mình rõ nét của một vùng quê mới”.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc