Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Búk: Huy động các nguồn lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

07:04, 11/10/2023

Huyện Krông Búk có hơn 5.569 hộ, với 24.059 khẩu đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 33,12% dân số. Huyện có 4 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi; trong đó có 1 xã khu vực III, 1 xã khu vực II, 2 xã khu vực I và 19 thôn, buôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Để tạo bước đột phá, phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS, huyện đã tranh thủ nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, sinh hoạt của người dân nơi đây.

Gia đình chị H Mép Niê ở buôn Kdrô 1 (xã Cư Né) là hộ nghèo. Năm 2017, gia đình chị được tạo điều kiện vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua bò cái sinh sản về nuôi. Đến nay, bò cái đã sinh được 6 con bê. Vợ chồng chị giữ lại bê cái để nhân rộng đàn bò, còn bê đực, sau khi nuôi khoảng 5 - 6 tháng thì bán. Năm 2022, gia đình chị đã thoát nghèo. Chị H Mép chia sẻ: “Cuộc sống của gia đình mình trước đây rất khó khăn, dù cố gắng làm ăn nhưng vẫn đói nghèo. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển chăn nuôi, kinh tế dần cải thiện, có điều kiện lo cho ba con ăn học”.

Gia đình chị H Mép Niê ở buôn Kdrô 1 (xã Cư Né) thoát nghèo nhờ được vay vốn ưu đãi phát triển chăn nuôi.

Bên cạnh hỗ trợ người dân thoát nghèo, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương của huyện đã thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc, từ tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất, các chương trình mục tiêu hỗ trợ đồng bào DTTS đến xây dựng cơ sở hạ tầng, chính sách an sinh xã hội… nhằm làm thay đổi toàn diện vùng đồng bào DTTS.

 

Đến cuối năm 2022, huyện Krông Búk còn 1.295 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,59%; trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS chiếm 62,24% (806 hộ).

Trong giai đoạn 2022 - 2023, huyện được phân bổ trên 33,5 tỷ đồng từ nguồn vốn thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Từ đó sửa chữa, cải tạo 8 phòng học, nhà hiệu bộ của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Bùi Thị Xuân (xã Ea Sin); sửa chữa nhà vệ sinh, làm sân bê tông cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện; tập huấn chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc đồng bào DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; khởi công xây mới 6 công trình đường giao thông nông thôn…

Sự quan tâm đầu tư về hạ tầng giao thông đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần thay đổi diện mạo nhiều vùng đồng đồng bào DTTS của huyện. Bà H’Liên Niê, Trưởng buôn Ea Liăng (xã Cư Pơng) cho biết: “Khi chưa làm đường, vào mùa mưa việc đi lại, nhất là vận chuyển hàng hóa rất khó khăn. Từ khi được Nhà nước đầu tư làm đường bê tông rộng rãi, khang trang, bà con trong buôn rất phấn khởi. Hàng hóa làm ra mua bán thuận lợi hơn, đời sống của người dân theo đó cũng nâng lên”.

Đường giao thông buôn Dray Huê (xã Cư Pơng) được đầu tư khang trang.

Địa phương cũng đặc biệt quan tâm công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Riêng năm 2022, huyện đã đầu tư 80 triệu đồng mở lớp đánh cồng chiêng, mua trang phục, đạo cụ hỗ trợ cho lớp tập múa truyền thống của người Êđê; nhiều chương trình biểu diễn, phục dựng một số nghi lễ, lễ hội truyền thống như: lễ cúng bến nước, lễ cầu mưa, cúng sức khỏe được các địa phương tổ chức định kỳ, hằng năm.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phan Hoàng Lâm, để phát huy hiệu quả các chính sách, dự án phát triển vùng DTTS, nhiệm vụ quan trọng là ưu tiên bố trí vốn cho vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào DTTS. Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích, hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp sáng tạo, hiệu quả cao để phổ biến, áp dụng thí điểm trên địa bàn một số xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS...

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc