Mưu sinh bằng nghề “gõ trái hái tiền"
Vào thời điểm này, các nhà vườn sầu riêng trên địa bàn tỉnh đang bước vào mùa thu hoạch. Đây cũng là lúc người làm nghề “gõ” sầu riêng tất bật với công việc.
Đối với sầu riêng, thông thường chỉ cần ngửi mùi quả thấy thơm, nhìn vỏ tách rời theo các đường vân là biết trái đã chín. Tuy nhiên để phục vụ xuất khẩu, quả sầu riêng phải được thu hoạch ở một giai đoạn nhất định, nên mới cần đến những người "gõ" sầu riêng. Cái tài của những người làm nghề này là họ biết thẩm định, phân biệt độ non, già của quả sầu riêng khi đang còn ở trên cây, từ lúc quả chưa có mùi thơm. Với những người lành nghề, nhiều kinh nghiệm, việc cầm dao đi gõ sầu riêng có thể kiếm được tiền triệu mỗi ngày.
Anh Nguyễn Vân (thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng) cho biết, với kinh nghiệm nhiều năm, đến nay mỗi lần đi cắt sầu riêng tại các vườn, anh chỉ cần một cây dao Thái nhỏ, có cán cứng, lưỡi dao đủ sắc để cắt quả. Khi nghe tiếng gõ, anh có thể phân biệt được đâu là quả đã đến "tuổi" thu hoạch, quả nào còn non, chất lượng không tốt. Để trở thành thợ "gõ" chuyên nghiệp như hiện nay, anh phải đi rất nhiều địa phương trồng sầu riêng trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm. Bởi khi đi cắt, người làm nghề phải hiểu và cảm nhận được "độ tuổi" của quả sầu riêng thông qua tiếng phát ra lúc gõ lên vỏ quả. Bên cạnh kinh nghiệm, công việc này đòi hỏi phải có sức khỏe do phải di chuyển và leo trèo nhiều. Công việc có thuận lợi hay không còn tùy thuộc từng vườn, độ cao của cây. Tuy vất vả, nhưng nghề "gõ" sầu riêng mang lại thu nhập tương đối cao. Như anh Nguyễn Vân, trung bình mỗi ngày anh có thể gõ và thu hoạch được khoảng 2 - 3 tấn quả và thù lao đơn vị thu mua trả cho anh khoảng từ 1,3 - 2 triệu đồng/ngày.
Cứ đến mùa thu hoạch sầu riêng, anh Nguyễn Văn Dũng lại từ Đắk Nông đến Đắk Lắk để gõ, cắt, thu mua sầu riêng cho thương lái. |
Làm nghề “gõ” sầu riêng được 7 năm, cứ đến mùa thu hoạch, anh Nguyễn Văn Dũng (quê Đắk Nông) lại cùng thương lái đến Đắk Lắk để gõ, cắt, thu mua sầu riêng. Theo anh Dũng, khi sầu riêng chín, gai sẽ chuyển sang màu sẫm, vỏ cùng phần cuống thường khô và teo lại, phần cơm ở trong sẽ tách hẳn phần vỏ nên gõ sẽ nghe tiếng "bộp bộp", cán dao không bị dội lại, lúc cầm trên tay quả cũng sẽ nhẹ hơn. Tuy nhiên, trái sầu riêng thường chín từ dưới lên nên thường sẽ phải gõ hai vị trí là phần cuối và phần giữa để phân biệt và nghe âm thanh rõ hơn.
Tuy là công việc thời vụ có mức thu nhập tương đối cao, nhưng nghề "gõ" sầu riêng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, cực nhọc và nguy hiểm. Trong quá trình trèo cây để gõ, nếu không quan sát kỹ, trèo trúng cành bị mục, khô sẽ bị ngã. Với những cây sầu riêng có độ cao hàng chục mét, nếu bị ngã sẽ rất nguy hiểm. Quả sầu riêng thường có gai sắc nhọn, trọng lượng quả rất nặng, nếu không cẩn thận bị rơi vào người có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Bên cạnh đó, nếu không tinh ý, chú tâm khi gõ, nếu hái quả còn non, không đạt chất lượng thì sẽ bị thương lái trả lại, người hái phải đền với giá tương đương thị trường. Dù đã thành thạo với nghề, mỗi người thợ vẫn phải cố gắng học hỏi thêm kinh nghiệm để gõ, hái chuẩn, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Anh Dũng bộc bạch: “Trước khi chính thức trở thành thợ “gõ” chuyên nghiệp, tôi cũng rất nhiều lần cắt nhầm trái non và phải đền tiền cho thương lái. Do đó, nghề này rất cần chịu khó học hỏi, sáng ý mới có thể gắn bó, làm nghề một cách chuyên nghiệp được.”
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm công ty thu mua sầu riêng. Mỗi đơn vị thu mua thường có một đội ngũ 5 - 7 người chuyên đi cắt và thẩm định sầu riêng ở các vườn, trong đó có 2 - 3 thợ chuyên đảm nhận khâu “gõ” quả sầu riêng trước khi cắt. Nhiệm vụ trèo lên cây sầu riêng, cầm dao gõ, kiểm tra từng quả rồi cắt, nghe giản đơn song chứng kiến mới thấy nghề mưu sinh trên cây này không hề dễ.
Ngọc Thùy
Ý kiến bạn đọc