Multimedia Đọc Báo in

Rút bảo hiểm xã hội - đừng để mất “điểm tựa” tuổi già

08:29, 16/10/2023

Thời gian gần đây, nhiều người dân trên địa bàn huyện Krông Bông đã quyết định rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Điều này khiến họ mất đi cơ hội được nhận lương hưu hằng tháng và thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí khi về già. Hơn thế nữa, với số tiền nhận về thấp hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH nên nếu rút sẽ là một thiệt thòi lớn.

Gia tăng đối tượng rút BHXH

Theo BHXH huyện Krông Bông, năm 2022 trên địa bàn huyện có 522 người rút BHXH một lần. Nhưng chỉ trong 9 tháng đầu năm 2023, toàn huyện đã có 612 người nhận BHXH một lần; trong đó, có nhiều người là công nhân lao động trước đây làm việc tại các tỉnh phía Nam đã nghỉ việc.

Hồi tháng 3/2022, vợ chồng anh Y Toa Kpơr (xã Ea Trul) đến Tây Ninh làm công nhân cho một công ty chuyên về da bò, được hơn 5 tháng thì nghỉ làm trở về quê. Đến đầu tháng 10/2023, sau khi đủ thời gian nghỉ việc 1 năm theo quy định, vợ chồng anh đến BHXH để làm thủ tục rút BHXH. Dù cán bộ BHXH huyện tuyên truyền, vận động bảo lưu thời gian đóng để sau này đi làm lại sẽ cộng nối thời gian tham gia nhưng vẫn không có kết quả.

Cán bộ BHXH huyện Krông Bông giải quyết thủ tục nhận chế độ BHXH một lần cho người dân.

Anh Y Toa chia sẻ, sau khi nghỉ việc, vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên vợ chồng không tiếp tục tham gia BHXH theo hình thức tự nguyện mà đợi đủ thời gian nghỉ việc theo quy định rồi rút BHXH một lần. Dù biết lợi ích của việc tham gia BHXH rất thiết thực khi về già nhưng cũng đành chịu vì gia đình quá khó khăn, bây giờ rút được đồng nào hay đồng đó. Qua giai đoạn này, đầu năm sau vợ chồng anh sẽ lại tiếp tục đến Tây Ninh xin làm công nhân.

Tương tự, anh Hồng Ngọc Thái (xã Hòa Sơn) cũng đến BHXH huyện làm đơn đề nghị rút BHXH. Trước đây anh làm giáo viên tại một trường học trên địa bàn xã, sau gần 2 năm giảng dạy, tháng 9/2022 anh quyết định nghỉ việc để kinh doanh tự do. Thời điểm đó, anh cũng tìm hiểu thủ tục và điều kiện để rút BHXH, sau khi biết quy định phải nghỉ việc 1 năm mới được rút nên anh phải đợi đến đầu tháng 10/2023 mới đến làm các thủ tục.

Theo ông Dương Thanh Sơn, Phó Giám đốc BHXH huyện Krông Bông, những trường hợp rút BHXH và nhận BHXH một lần phần lớn là do kinh tế gia đình khó khăn khiến họ lựa chọn rút để có khoản chi tiêu, trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một bộ phận nhỏ người lao động vì lợi ích trước mắt, chưa hiểu hết được lợi ích khi tham gia BHXH nên muốn rút BHXH một lần. Chính việc lựa chọn hưởng BHXH một lần đã khiến người lao động thiệt thòi, mất đi nhiều quyền lợi khi về già.

Những thiệt thòi khi đến tuổi già

Theo quy định, khi tham gia hệ thống BHXH, mỗi người dân, người lao động sẽ được hưởng lương hưu khi đủ thời gian đóng và đủ tuổi nghỉ hưu. Hơn thế nữa, trong suốt quãng thời gian nhận lương hưu sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí. Mặt khác, nếu người đang hưởng lương hưu không may qua đời thì người lo mai táng sẽ được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người hưởng lương hưu qua đời và thân nhân được hưởng trợ cấp tử tuất hằng tháng hoặc một lần. Đó là chưa nói đến việc khi đã hưởng lương hưu thì mức lương hưu sẽ được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế. Được biết, từ năm 2003 đến nay, Nhà nước đã nhiều lần điều chỉnh tăng lương hưu, với mức tăng từ khoảng 7,5% đến 9,3% cho mỗi lần điều chỉnh, tùy theo nhóm đối tượng.

Cán bộ BHXH huyện Krông Bông tuyên truyền, vận động vợ chồng anh Y Toa Kpơr tiếp tục ở lại hệ thống BHXH.

Trong khi đó, nếu rút BHXH thì ngoài việc mất các quyền lợi trên, số tiền người lao động nhận BHXH một lần thiệt hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH. Cụ thể, theo quy định hiện hành, tổng mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của người lao động. Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, tổng mức đóng vào quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu người lao động hưởng BHXH một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Như vậy, nếu lĩnh BHXH một lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.

Thiết nghĩ, nếu không may bị thất nghiệp hay nghỉ việc tạm thời, người lao động không nên rút BHXH mà có thể đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp học nghề để vượt qua khó khăn; hoặc chưa đủ điều kiện đóng tiếp BHXH thì có thể bảo lưu và sau đó đóng tiếp (bằng cách tham gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện) để đủ điều kiện nhận lương hưu khi về già. Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích người lao động ở lại hệ thống BHXH để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại khi hưởng BHXH một lần, tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) vừa qua cũng đã bổ sung nhiều quy định nhằm mở rộng, gia tăng lợi ích để người lao động có thêm cơ hội được hưởng lương hưu.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.