Multimedia Đọc Báo in

Điểm sáng của giáo dục vùng sâu

08:37, 15/11/2023

Cách trung tâm huyện Krông Bông hơn 30 km, Trường Tiểu học Ea Bar (xã Cư Pui) vốn là một điểm trường có rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhờ nhiều nỗ lực, đến nay Trường Tiểu học Ea Bar đã vươn lên trở thành điểm sáng của giáo dục vùng sâu huyện Krông Bông.

Trường Tiểu học Ea Bar trước đây là điểm trường lẻ của Trường Tiểu học Cư Pui 2, chỉ có vỏn vẹn 3 phòng học cấp 4 và 2 phòng học tạm bợ do phụ huynh tự làm, gồm 8 lớp với hơn 100 học sinh, đa số là dân tộc Mông. Năm 2015, điểm trường được Ngân hàng Vietcombank xây tặng 10 phòng học kiên cố và được tách thành lập trường mới. Hiện Trường Tiểu học Ea Bar đã có 12 lớp với 351 học sinh, trong đó học sinh là người dân tộc thiểu số chiếm 97,7%.

Học sinh Trường Tiểu học Ea Bar được học trong những phòng học khang trang, sạch, đẹp.

Do học sinh chủ yếu là người dân tộc Mông nên các em gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tiếp thu kiến thức vì vốn tiếng Việt còn nhiều hạn chế. Để nâng cao chất lượng giáo dục, Trường Tiểu học Ea Bar đã chú trọng triển khai nhiều biện pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh như: thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, giao lưu tiếng Việt, hoạt động đội - sao, tổ chức các trò chơi truyền thống, văn nghệ - thể thao...

Những năm trước đây, tỷ lệ học sinh nghỉ học, bỏ học giữa chừng rất cao, do điều kiện đi lại và hoàn cảnh gia đình học sinh còn gặp khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, các thầy cô giáo đã kiên trì tuyên truyền, vận động. Mỗi khi có học sinh nghỉ học hoặc có nguy cơ bỏ học, nhà trường đã phối hợp với ban tự quản thôn xuống tận gia đình để tìm hiểu nguyên nhân và vận động các em quay trở lại trường.

Hàng chục em ở nhà xa trường, việc đi lại gặp nhiều khó khăn nên phụ huynh phối hợp với ban tự quản và nhà trường mượn đất của một số hộ dân ở gần trường dựng nhà tạm để cho các em ở lại. Những em ở xa trường từ 4 km trở lên, nhà trường đã tạo điều kiện bảo đảm cho các em được hưởng đầy đủ chế độ hỗ trợ theo Nghị định 116 của Chính phủ một cách kịp thời.

Đồng thời các thầy cô giáo nhà trường còn làm tốt công tác kết nối, vận động các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ vậy, nhiều năm nay, tỷ lệ học sinh bỏ học rất thấp. Đặc biệt trong 3 năm gần đây, Trường Tiểu học Ea Bar không có học sinh nào bỏ học.

Học sinh Trường Tiểu học Ea Bar đọc sách tại thư viện của nhà trường.

Đến nay, Trường Tiểu học Ea Bar đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đầy đủ, đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu cho dạy và học 2 buổi/ngày. Tất cả các phòng học, phòng chức năng được trang bị ti vi màn hình lớn. Nhà hiệu bộ, phòng truyền thống, nhà ở công vụ, công trình vệ sinh của giáo viên và học sinh, sân trường, cổng, tường rào, nhà để xe cũng được xây dựng đầy đủ.

Thầy Trần Văn Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Cơ sở vật chất của nhà trường hiện nay đã cơ bản đáp ứng nhu cầu cho dạy và học cũng như tổ chức các hoạt động. UBND huyện cũng đã cấp kinh phí cho nhà trường mua máy tính, lập phòng học tin học để giảng dạy cho học sinh.

Vừa qua Dự án sức khỏe và dinh dưỡng học đường của Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế (SC) đã xây dựng cho nhà trường hệ thống nước rửa tay hợp vệ sinh cho học sinh. Sắp tới, dự án tiếp tục đầu tư xây dựng thêm cho trường một công trình vệ sinh hiện đại trị giá 200 triệu đồng.

Với những nỗ lực vượt khó, Trường Tiểu học Ea Bar đã hoàn thành các tiêu chuẩn để UBND tỉnh kiểm tra công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.