Đưa chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đến lao động tự do
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là chính sách an sinh xã hội, giúp người lao động tự do, người dân khi tham gia sẽ giảm bớt khó khăn, rủi ro lúc về già.
Để mở rộng đối tượng tham gia, thời gian qua, BHXH huyện Krông Pắc đã thực hiện đồng thời nhiều giải pháp phối hợp tuyên truyền nhằm đưa chính sách nhân văn này đến với người dân, góp phần phát triển an sinh xã hội.
"Điểm tựa" khi về già
Những năm gần đây, nhiều lao động tự do trên địa bàn xã Ea Knuếc đã tích cực tham gia BHXH tự nguyện sau khi được cán bộ thu BHXH tuyên truyền, giải thích, vận động về lợi ích, ý nghĩa của loại hình bảo hiểm này. Đơn cử như bà Lê Thị Kiều (thôn Tân Bình) đã tham gia BHXH tự nguyện được hơn 2 năm, trước đây bà nghĩ chỉ những người làm việc ở doanh nghiệp, cơ quan nhà nước mới được đóng BHXH và được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, khi được cán bộ BHXH giải thích và biết được những người dân là lao động tự do cũng có thể tham gia và được nhận lương hưu khi đủ tuổi thì bà quyết định đóng BHXH tự nguyện cho mình và người con trai với mức đóng 308 nghìn đồng/người/tháng; đồng thời, bà cũng vận động những người hàng xóm, họ hàng cùng tham gia để có “điểm tựa” khi tuổi già.
Bà Lê Thị Kiều (bìa trái) tìm hiểu các chính sách BHXH tự nguyện. |
Bà Kiều chia sẻ: “Khi biết BHXH tự nguyện là chính sách của Nhà nước và còn được hỗ trợ mức đóng nên tôi rất yên tâm tham gia. Hơn thế nữa, bây giờ còn sức khỏe, còn đi làm kiếm tiền được nên đóng BHXH tự nguyện coi như để dành cho tuổi già có lương hằng tháng chi tiêu, đỡ đần con cháu”.
Hay như bà Phạm Thị Lan (thôn 2) cũng đóng BHXH tự nguyện được hơn 4 năm với mức đóng thấp nhất gần 300 nghìn đồng/tháng. Bà Lan chia sẻ: “Sau khi hiểu hết những quyền lợi của chính sách BHXH tự nguyện, tôi đã quyết định tham gia. Trước mắt, tôi đóng từng năm một cho đủ thời gian đóng 10 năm rồi sẽ đóng tiếp một lần của những năm còn lại, khi đó vừa đủ tuổi vừa đủ số năm đóng BHXH để được nhận lương hưu”. Với bà, số tiền đóng hiện nay chỉ gần 300 nghìn đồng/tháng cũng không quá nặng về kinh tế, vừa là tích lũy khi về già để có thể tự mình trang trải chi phí cho cuộc sống, không phải phụ thuộc hay trở thành gánh nặng cho gia đình, con cháu; đặc biệt, bà sẽ còn được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) để phòng thân khi chẳng may ốm đau, bệnh tật...
Thực tế chẳng ai biết trước được khi về già, không đi làm kiếm tiền được nữa thì cuộc sống sẽ ra sao, nếu như có lương hưu thì dù ít nhưng vẫn có “đồng ra, đồng vào” để trang trải sinh hoạt. Với những người già, lương hưu không chỉ có giá trị vật chất mà còn có ý nghĩa lớn về tinh thần, giúp họ yên tâm hơn trong cuộc sống.
Hướng đến phát triển đối tượng tiềm năng
Với sự linh hoạt mức đóng, phương thức đóng tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và thu nhập gia đình, người lao động có thể lựa chọn đóng mức thấp nhấp chưa đến 300 nghìn đồng/tháng và có thể đóng 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, 5 năm và đóng một lần tối đa cho 10 năm còn thiếu để hưởng chế độ hưu trí... Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rất nhiều người dân chưa biết đến chính sách BHXH tự nguyện này.
Theo thống kê của BHXH huyện Krông Pắc, tính đến đầu tháng 11/2023, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 1.463 người trên kế hoạch giao trong năm 2023 là 3.100 người. Do đó, để phát triển đối tượng tham gia cũng như góp phần bảo đảm an sinh xã hội, BHXH huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi, pa nô, áp phích, qua các hội nghị tuyên truyền, đối thoại trực tiếp, qua mạng Zalo, Facebook; đồng thời, phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT đến người dân và cán bộ bán chuyên trách ở thôn, buôn trên địa bàn huyện. Ngoài ra, phối hợp với các tổ chức dịch vụ thu trên địa bàn huyện mở nhiều hội nghị khách hàng tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT tự nguyện.
Cán bộ BHXH huyện Krông Pắc (bên phải) tuyên truyền chính sách BHXH đến người lao động tự do. |
Ông Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc BHXH huyện Krông Pắc cho biết: “Để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, đơn vị đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các địa phương hỗ trợ một phần kinh phí đóng BHXH tự nguyện cho đối tượng là cán bộ bán chuyên trách ở thôn, buôn. Bởi hiện nay, trên địa bàn huyện có gần 300 thôn, buôn và mỗi thôn, buôn có 3 cán bộ không chuyên trách thì nếu phát triển được đối tượng này thì số lượng người tham gia BHXH tự nguyện sẽ rất lớn. Bên cạnh đó, BHXH huyện sẽ tập trung vào đối tượng hộ gia đình trồng, kinh doanh sầu riêng bởi đây là đối tượng tiềm năng, có nguồn thu nhập cao và ổn định”.
Cùng với đó, hiện nay Dự thảo Luật BHXH đang được sửa đổi với nhiều nội dung có lợi cho người tham gia sẽ là tiền đề, động lực để địa phương phát triển đối tượng tham BHXH tự nguyện trong những năm tới.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc