Giải quyết yêu cầu thay đổi tên của công dân theo hướng nào?
Thời gian qua, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh có ghi nhận các trường hợp công dân nộp hồ sơ yêu cầu thay đổi tên và chữ đệm (gọi chung là tên) trong giấy khai sinh.
Các hồ sơ yêu cầu này có nêu lý do là: “Khi đi đăng ký khai sinh, bố tự ý đặt tên cho con, không có thỏa thuận với mẹ, nên mẹ không đồng ý, dẫn đến mâu thuẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình” hoặc “tên đã đặt cho con bị trùng với tên của một người khác trong dòng họ, gây nhầm lẫn và dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình”…; đồng thời cung cấp các biên bản hòa giải ở cơ sở để chứng minh gia đình có mâu thuẫn từ việc đặt tên, làm căn cứ để yêu cầu được thay đổi tên của công dân theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 28 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Điều chỉnh thông tin Giấy khai sinh. Ảnh minh họa: Internet |
Thực tế cho thấy nhiều địa phương còn lúng túng trong việc tiếp nhận giải quyết các yêu cầu trên của công dân; một số địa phương có văn bản từ chối giải quyết (vì cho rằng chưa đảm bảo cơ sở) và bị động khi công dân tiếp tục khiếu nại…
Trước hết, cần khẳng định rõ công dân có quyền yêu cầu thay đổi tên theo quy định: Việc thay đổi tên là một trong những quyền của công dân đã được pháp luật quy định. Cụ thể: Khoản 10, Điều 4, Luật Hộ tịch năm 2014 quy định: “Thay đổi hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thay đổi những thông tin hộ tịch của cá nhân khi có lý do chính đáng theo quy định của pháp luật dân sự…”; tại Khoản 1, Điều 26, Luật Hộ tịch năm 2014 quy định về phạm vi thay đổi hộ tịch: “Thay đổi họ, chữ đệm và tên của cá nhân trong nội dung khai sinh đã đăng ký khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự”. Điều 28 Luật Hộ tịch quy định rõ về thủ tục thay đổi hộ tịch: “Người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp Tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch; trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch… Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc”; và tại điểm a Khoản 1 Điều 28 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền thay đổi tên: “1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây: a) Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó”.
Như vậy, có thể khẳng định rằng theo quy định của pháp luật thì công dân có quyền yêu cầu thay đổi tên, do đó các cơ quan có thẩm quyền không được từ chối tiếp nhận hồ sơ yêu cầu của công dân về việc thay đổi tên theo quy định. Tuy nhiên, việc thay đổi tên phải có cơ sở, có căn cứ, lý do chính đáng theo quy định của pháp luật dân sự, chứ không phải theo quan điểm, suy luận chủ quan của bất kỳ cá nhân nào.
Từ các căn cứ pháp luật nêu trên, để đảm bảo việc giải quyết các hồ sơ yêu cầu của công dân về việc thay đổi tên và chữ đệm đúng quy định của pháp luật, cơ quan đăng ký hộ tịch cần kiểm tra các giấy tờ liên quan do công dân cung cấp để xác định có đảm bảo căn cứ, cơ sở, lý do chính đáng theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 28 Bộ luật Dân sự năm 2015 hay không (tức là có hay không việc sử dụng tên đó đã gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó?).
Trường hợp các giấy tờ do công dân cung cấp vẫn chưa thể hiện rõ căn cứ, cơ sở để thay đổi theo quy định, thì cơ quan đăng ký hộ tịch cần chủ động phối hợp với chính quyền và các tổ chúc đoàn thể tại địa phương tiến hành xác minh theo quy định để làm rõ các nội dung liên quan tại gia đình và nơi cư trú của công dân. Đối với các trường hợp có cung cấp các biên bản hòa giải ở cơ sở để chứng minh gia đình có mâu thuẫn, bất hòa từ việc đặt tên, dẫn đến có ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, thì cần kiểm tra, xác minh thêm về thực tế hoà giải đối với các vụ việc đó.
Trường hợp có đủ căn cứ, cơ sở, lý do chính đáng để thay đổi tên và chữ đệm theo quy định, cơ quan đăng ký hộ tịch cần giải thích thêm để công dân rõ về việc thay đổi tên, chữ đệm có thể sẽ dẫn đến những hệ quả không mong muốn đối với công dân vì sẽ phải thường xuyên chứng minh việc thay đổi đó với các cơ quan, tổ chức trong các giao dịch, công việc có liên quan đến việc sử dụng tên cũ trước khi thay đổi; trong nhiều trường hợp, công dân còn phải đi thay đổi lại các giấy tờ cá nhân mang tên cũ...
Tên của công dân là một trong các yếu tố đặc định hóa cá nhân, là yếu tố cơ bản cá biệt hóa từng cá nhân. Việc thay đổi tên là quyền của công dân nhưng phải đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật. Vì vậy, các cơ quan đăng ký hộ tịch cần bám sát quy định pháp luật, và chủ động trong việc xác minh nắm rõ sự việc để vừa đảm bảo thực hiện quyền công dân, nhưng cũng đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật.
Hoàng Trọng Hùng
Ý kiến bạn đọc