Multimedia Đọc Báo in

Giữ mối liên hệ mật thiết giữa cấp ủy, chính quyền với các tổ chức tôn giáo

08:53, 15/11/2023

Đến xã vùng III Ea Yiêng, huyện Krông Pắc, những năm gần đây, bà con giáo dân rất vui mừng khi cơ sở vật chất của Giáo xứ buôn Hằng ngày càng khang trang, trở thành trung tâm sinh hoạt tôn giáo của trên 7.000 tín đồ ở xã Ea Yiêng và các xã lân cận như: Ea Uy (huyện Krông Pắc), Dang Kang, Hòa Thành (huyện Krông Bông)…

Linh mục Nguyễn Hùng Tiến, quản xứ Giáo xứ buôn Hằng cho hay, được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, giáo xứ đã huy động nhiều nguồn lực xây dựng nhà xứ, nhà nguyện và hiện đại hóa các trang thiết bị, phương tiện phục vụ sinh hoạt tôn giáo. Cùng với điều kiện sinh hoạt tôn giáo, đời sống giáo dân cũng ngày càng khởi sắc. Các trục đường từ trung tâm xã Ea Yiêng kết nối với các vùng lân cận đều đã được đầu tư mở rộng và bê tông hóa. Điều kiện học tập của con em giáo dân nói riêng và bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea Yiêng nói chung được quan tâm về mọi mặt...

Đoàn khảo sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đến thăm và làm việc tại Giáo xứ buôn Hằng (xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc).

Theo Chủ tịch UBND xã Ea Yiêng Trần Văn Long, Công giáo là tôn giáo chính của bà con Ea Yiêng với 87% dân cư là tín đồ. Chính vì thế, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con được tham gia sinh hoạt tôn giáo theo đúng quy định. Ngoài điểm chính là nhà thờ Giáo xứ buôn Hằng, trên địa bàn xã còn có 4 nhà nguyện ở các buôn Ea Mao, Kon Tay, Kon Wang để bà con giáo dân thuận tiện trong việc di chuyển, lựa chọn địa điểm sinh hoạt.

Mối liên hệ giữa chính quyền địa phương với linh mục quản xứ và hội đồng giáo xứ rất mật thiết, gần gũi. Hằng năm, giáo xứ đều đăng ký cụ thể kế hoạch hoạt động với địa phương. Bên cạnh các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, tặng hoa chúc mừng vào các dịp lễ lớn của giáo xứ, lãnh đạo xã thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với linh mục quản xứ và các thành viên hội đồng quản xứ để cùng phối hợp, tuyên truyền, vận động bà con giáo dân tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh trật tự, chung tay xây dựng nông thôn mới… Chủ tịch Hội đồng quản xứ Giáo xứ buôn Hằng hiện là đại biểu HĐND, nhiều tín đồ có đạo cũng đang là Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, tham gia ban tự quản, trưởng ban công tác Mặt trận ở các thôn, buôn… Từ đó, việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của giáo dân cũng như việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật trong vùng đồng bào có đạo luôn luôn kịp thời, tạo sự lan tỏa, tác động sâu sắc vào ý thức, nhận thức của người dân.

Đoàn khảo sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đến thăm và làm việc tại Giáo xứ buôn Hằng (xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc).

Toàn tỉnh hiện có 358 cơ sở và điểm, nhóm sinh hoạt tôn giáo được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động. Theo phân cấp quản lý, hằng năm, Ban Tôn giáo tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về công tác tín ngưỡng, tôn giáo cho các cán bộ, công chức thuộc các cơ quan chuyên môn và các tổ chức chính trị, xã hội cấp huyện, xã; tổ chức các hội nghị phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn. Cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã cũng thường xuyên giữ mối quan hệ mật thiết với tổ chức tôn giáo, đa dạng hóa các hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc với các chức sắc, chức việc và tổ chức tôn giáo, kịp thời biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong tổ chức tôn giáo, cộng đồng tín đồ các tôn giáo. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cũng tăng cường vận động các tổ chức tôn giáo tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội, các cuộc vận động ở địa phương, phát huy vai trò, tiếng nói và đóng góp của chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo trong các hoạt động ở cơ sở.

Nhờ sự thống nhất, đồng bộ ấy, việc tổ chức thực thi pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo luôn được đảm bảo, tạo mối quan hệ gắn bó, gần gũi giữa cấp ủy, chính quyền các cấp với các tổ chức tôn giáo. Trên cơ sở vận dụng, thực hiện các chính sách tôn giáo và pháp luật của Nhà nước, các cơ quan chuyên môn đã tập trung tham mưu giải quyết từng bước kịp thời, đúng quy định đối với nhiều nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào có đạo, góp phần bảo đảm cho các tôn giáo hoạt động bình thường và ổn định theo đúng quy định pháp luật.

Trong kỳ bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, toàn tỉnh có 438 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp. Trong đó, có 255 người trúng cử gồm: 3 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 19 đại biểu HĐND cấp huyện và 197 đại biểu HĐND cấp xã.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.