Multimedia Đọc Báo in

Heather Anne Morris-Nạn nhân da cam đấu tranh cho công lý

15:57, 27/11/2023

Tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP. Hồ Chí Minh hiện đang lưu giữ và trưng bày bức tranh “Nỗi đau da cam” do Heather Anne Morris - một người Mỹ và là nạn nhân chất độc da cam, trao tặng.

Theo TS. Trần Xuân Thảo, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP. Hồ Chí Minh, bức tranh không chỉ đơn thuần chia sẻ nỗi đau da cam mà còn thể hiện tinh thần, ý chí đấu tranh, nói lên tiếng nói của lương tri đối với nạn nhân chất độc da cam của cả hai phía trong chiến tranh Việt Nam.

Heather Anne Morris sinh ngày 7/10/1972 tại bang Ohio, Hoa Kỳ. Cha bà Heather là Bill Morris, phục vụ trong quân đội Mỹ từ năm 1968 - 1970. Ông đóng quân tại căn cứ Long Bình (Biên Hòa) từ năm 1968 - 1969. Ngày đầu tiên đặt chân đến Việt Nam, ông bị buộc tham gia một trận chiến hóa học mà không có dụng cụ bảo hộ. Đây là lần phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin đầu tiên của ông. Bill Morris trở về sau 9 tháng tham chiến, nhưng 9 tháng đó đã thay đổi cuộc đời ông mãi mãi.

Heather Anne Morris cùng bố mẹ lúc còn nhỏ. Ảnh tư liệu

Trước khi Heather ra đời, vợ ông Bill Morris là bà Sharon đã trải qua hai lần sảy thai liên tiếp mà không rõ nguyên nhân. Sự ra đời của Heather vừa là niềm vui, lại vừa là cú sốc lớn đối với gia đình Morris. Cô bé sinh non hai tháng, nhỏ như một con mèo, chân phải cụt tới đầu gối, hai bàn tay thiếu ngón dị dạng, chân trái không có ngón cái và các ngón còn lại thì dính chặt vào nhau. Bà Sharon vô cùng yêu thương cô con gái mình và luôn sống với cảm giác day dứt của người mẹ đã không cho con mình một hình hài lành lặn. Ông bà Morris không thể hiểu nổi điều gì đã diễn ra, vì sao mà định mệnh nghiệt ngã đó lại rơi đúng vào đứa con nhỏ bé của họ.

Cuộc chiến tranh Việt Nam đã làm thay đổi cách xã hội Mỹ đối đãi với các cựu chiến binh trở về từ chiến trường. Đó là một cuộc chiến tranh mang đầy nỗi ê chề mà nước Mỹ muốn sớm cho vào quên lãng. Thay vì được chào đón như những người hùng, các cựu chiến binh tham chiến tại Việt Nam như cha của Heather chỉ nhận được sự xa cách, lạnh nhạt của xã hội.

Bước sang đầu những năm 1980, chất độc da cam ngày càng gây những di chứng rõ ràng lên sức khỏe của ông Bill Morris. Ở tuổi ngoài 30, ông bắt đầu mắc các chứng về tiểu đường và tim mạch, và năm 1998, ở tuổi 50, ông qua đời sau một cơn đột quỵ, trong tình trạng sức khỏe suy kiệt.

Heather Anne Morris đã không ngừng phấn đấu vượt lên số phận. Bà có bằng thạc sĩ về giáo dục và cũng là một họa sĩ đã dùng nhiều cách khác nhau để thể hiện cảm xúc về chất độc da cam/dioxin thông qua các tác phẩm của mình. Mong muốn của Heather là những người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin trên toàn thế giới sẽ được công nhận và giúp đỡ. Năm 2012, bà thành lập một tổ chức có tên là Liên minh Y tế Cựu chiến binh trẻ em Việt Nam (COVVHA). Đây là một tổ chức từ thiện giúp quy tụ tất cả những người bị ảnh hưởng do sự tiếp xúc của cha mẹ với chất độc da cam và bị thương tổn bởi chiến tranh. COVVHA hiện có các thành viên đến từ Mỹ, Úc và Việt Nam.

Bức tranh “Nỗi đau da cam” do Heather trao tặng Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP. Hồ Chí Minh.

Heather Anne Morris đã nhiều lần đến Việt Nam, chứng kiến và thấu hiểu hết mức độ tàn tật của các em ở làng Hữu Nghị hay khu chăm sóc trẻ em da cam ở Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh). Nhìn thấy những đứa trẻ nạn nhân da cam với đủ hình hài dị dạng đã gợi lại quá khứ tuổi thơ của Heather vì từng bị trêu chọc và bắt nạt trong suốt thời đi học. Vì vậy, trong những buổi họp mặt, diễu hành đòi bồi thường do hậu quả da cam, Heather vẫn thường mặc chiếc áo in hình gương mặt cau mày cùng dòng chữ “Da cam làm tôi tàn tật”. Đôi khi bà mặc váy hoặc quần shorts để lộ chân không lành lặn. Heather nói: “Tôi được dạy không che giấu bản thân mình và tôi cũng được dạy phải bắt mọi người đối diện với sự thật tật nguyền của tôi”.

Heather và những hoạt động của tổ chức COVVHA đã góp phần xoa dịu nỗi đau da cam của các thế hệ nạn nhân da cam không chỉ ở Mỹ mà còn ở Úc và Việt Nam. Với niềm thương cảm và mong muốn cùng chia sẻ nỗi đau da cam, ngày 22/4/2019, Heather đã trao tặng bức tranh nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam cho Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP. Hồ Chí Minh.

Tranh của Heather được vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên vải bố, kích thước 125 x 124 cm. Heather vẽ bức tranh này vào năm 1994, khi đang là một sinh viên. Nội dung bức tranh vẽ một cô gái đang chịu nỗi đau do chất độc da cam gây ra khi cô còn nhỏ. Trong bức tranh, cô gái phơi bày nỗi đau khuyết tật của mình một cách trần trụi. Điều gì đã khiến cô phải bị như thế này: một người khuyết tật, khác biệt về thể chất; một cuộc chiến mà cô không hiểu; một gia đình bị tan vỡ; một sự tàn nhẫn với những người đồng cảnh ngộ, sống cuộc sống ở một thị trấn nhỏ và cảm giác cô đơn... Trong sự bất lực, cô không thể ngẩng cao đầu khi gia đình cô bị ảnh hưởng của chất độc da cam xuất phát từ cuộc chiến. Bức tranh cũng mô tả sự đơn độc trong suốt tuổi thơ của Heather.

Heather viết: “Có vài điều mà tôi muốn nói thông qua hình ảnh cô gái trẻ trong tranh. Trước tiên, cô ấy cần phải thật mạnh mẽ. Những nỗi lo sợ sẽ bị ruồng bỏ của cô ấy là không chính đáng. Cô ấy tìm thấy được tình yêu, lập gia đình và có hai cậu con trai khỏe mạnh. Thứ hai, sự mất mát người cha yêu quý vì bệnh tật do chất độc da cam gây ra vào năm 1998, khi ông chỉ mới 50 tuổi là nỗi đau vô cùng, nhưng nỗi đau đó cũng trở thành động lực và là một sự khát khao cho sự công bằng. Cái chết của cha cô đã mang lại sức sống cho phong trào đấu tranh vì công bằng cho nạn nhân da cam, như cô gái trong bức tranh, ngẩng cao đầu và bắt đầu những hoạt động của mình. Thứ ba, tôi muốn nói với cô ấy rằng cô sẽ phục vụ như một cầu nối giữa những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, Mỹ và Úc. Cô đi đến Việt Nam, trở thành bạn của tất cả mọi người trên thế giới, mang lại nhận thức về nỗi đau da cam cho những người khác. Cô làm việc để đem lại hòa bình và ánh sáng cho bóng đêm của chiến tranh - điều mà bố cô ấy rất cần”.

Tường Mạnh


Ý kiến bạn đọc