Huyện Krông Năng: Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động dân tộc thiểu số
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động người dân tộc thiểu số (DTTS) được xem là giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo. Những năm qua, hoạt động này được huyện Krông Năng chú trọng, góp phần từng bước cải thiện và nâng cao đời sống người dân.
Đào tạo nghề theo nhu cầu lao động tại chỗ
Ông Lê Đức Ánh, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Krông Năng cho biết, trong năm 2020 - 2021, khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số lượng lao động đi làm ngoài huyện trở về địa phương đông. Chính vì vậy, huyện đã tăng cường đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động người DTTS; giúp giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.
Từ nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện (gọi tắt là Trung tâm) đã đào tạo nghề cho 420 học viên, trong đó có 400 học viên người DTTS. Các nghề được người lao động lựa chọn nhiều nhất là may công nghiệp, sửa chữa máy nông nghiệp, xe máy, trồng và chăm sóc tiêu.
Lớp học nghề sửa chữa máy nông nghiệp tại xã Ea Hồ (huyện Krông Năng). |
Thầy Huỳnh Phúc Thành, giáo viên dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp, xe máy của Trung tâm cho hay: “Hiện nay tôi đang đứng lớp, giảng dạy lớp dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp tại xã Ea Hồ. Lớp có 35 học viên đều là người DTTS. Chúng tôi giảng dạy rất cụ thể, cầm tay chỉ việc; các bạn học viên rất chịu khó học hỏi, thực hành thường xuyên…”. Được biết, ngoài dạy sửa chữa máy nông nghiệp, các giảng viên lồng ghép dạy sửa chữa xe máy, giúp các học viên có thêm nhiều kỹ năng.
Anh Y Kam Byă (buôn Giêr, xã Ea Hồ) chia sẻ, anh thấy trong buôn, trong huyện khá ít việc, để tăng thêm thu nhập gia đình anh đã tham gia lớp học nghề sửa chữa máy nông nghiệp trong thời gian 3 tháng do Trung tâm tổ chức. Trong quá trình học, dưới sự hướng dẫn của giáo viên Trung tâm cũng như tự tìm hiểu thêm qua các phương tiện thông tin đại chúng, anh Y Kam nắm được các kỹ thuật trong sửa chữa máy nông nghiệp từ cơ bản đến chuyên sâu. Đến nay, dù anh chưa tốt nghiệp nhưng bà con trong buôn biết anh có theo học nghề nên vẫn mang máy đến nhờ sửa chữa hoặc bảo dưỡng. Anh dự kiến sau khi tốt nghiệp sẽ cùng một vài người bạn mở cửa hàng sửa chữa, nếu thuận tiện có thể buôn bán thêm linh kiện, máy móc.
Tạo sinh kế từ nghề đã học
Trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, sự thay đổi tích cực nhất chính là tư duy, nhận thức của học viên được nâng lên. Phần lớn lao động qua học nghề đã nắm được kiến thức để áp dụng vào thực tế, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và thu nhập cho gia đình.
Lớp dạy nghề may tại xã Ea Tam (huyện Kông Năng). |
Năm 2023, xã Ea Tam mở 4 lớp dạy nghề, gồm 2 lớp dạy may và 2 lớp trồng, chăm sóc tiêu. Bà La Bế Thủy Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tam phấn khởi nói: “Việc dạy nghề cho lao động nông thôn, cho người DTTS tại địa phương đã mang lại hiệu quả bước đầu. Người dân theo học đã biết áp dụng kiến thức vào thực tế, nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình, giúp nhiều hộ có cơ hội vươn lên thoát nghèo”. Đơn cử như chị Đinh Thị Nhung, (dân tộc Tày, thôn Tam An) là một trong những học viên học nghề may do Trung tâm mở vào năm 2018. Sau khi tốt nghiệp, chị mở tiệm may, từ một tiệm nhỏ chuyên may đồ học sinh đến nay đã phát triển lên cửa hàng lớn hơn, thu hút nhiều khách hàng hơn. Còn chị Nông Thị Trang (thôn Tam Điền) vừa tốt nghiệp lớp may năm 2023 cũng đã bắt đầu nhận may, sửa một số quần áo đơn giản...
Theo ông Nông Văn Nam, Giám đốc Trung tâm, do ở địa phương không có khu công nghiệp, việc dạy nghề không phải theo yêu cầu đặt hàng của các công ty, xí nghiệp mà theo nhu cầu của người lao động địa phương nên hầu hết học viên sau đào tạo đều có thể tự tạo việc làm hoặc làm theo nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.
Ông Lê Đức Ánh, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho hay, thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục triển khai, nâng cao các lớp dạy nghề theo nhu cầu của người dân và sát với thực tế địa phương, giúp bà con tham gia lớp học nhanh chóng tiếp thu kiến thức và áp dụng vào thực tiễn; đồng thời có tác động tích cực đến việc giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc