Multimedia Đọc Báo in

Kiến tạo không gian xanh cho đô thị Buôn Ma Thuột

07:11, 28/11/2023

Trong quá trình quy hoạch xây dựng các đô thị miền núi, người ta luôn chú trọng đến yếu tố tự nhiên (sông, suối, hồ, thác) nhằm kiến tạo bản sắc và hướng tới sự hài hòa trong việc tổ chức, kết nối không gian cho thành phố, nhất là đối với những thành phố trẻ và hiện đại đang trên đà mở rộng, phát triển dựa trên vốn tài nguyên thiên nhiên của mình. 

Giàu tiềm năng

Buôn Ma Thuột là đô thị hội đủ những đặc điểm trên và tất nhiên trong quá trình vươn tới để trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên thì vấn đề tổ chức, kết nối không gian cho thành phố này luôn là mối quan tâm đặt ra.

Còn nhớ tại Hội thảo khoa học “Quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị Buôn Ma Thuột” được tổ chức vào đầu tháng 3/2017, kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Văn Tất - Ủy viên Ban Chấp hành Hội KTS Việt Nam nhìn nhận: Đô thị Buôn Ma Thuột đang thiếu những điểm nhấn tự nhiên vốn có - đó là các dòng suối, mặt hồ chưa được chú trọng tôn tạo để mở ra nhiều khoảng không gian mềm mại, uyển chuyển và có chiều sâu hơn như Hồ Xuân Hương của TP. Đà Lạt, Biển Hồ của TP. Pleiku hay dòng Đắk Bla, đoạn chảy qua TP. Kon Tum hiện tại. Những điểm nhấn ấy được xem là “phần mềm” của thành phố đặc trưng miền núi, góp phần tạo ra hình thái kiến trúc, không gian đô thị đa dạng, phong phú và thơ mộng hơn.

Biệt điện Bảo Đại - không gian xanh giữa lòng Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hữu Hùng

Để kiến tạo thêm nhiều không gian xanh cho TP. Buôn Ma Thuột, nhiều chuyên gia quy hoạch, phát triển đô thị cho rằng phải hướng tới những yếu tố thiên nhiên hiện hữu (là rừng phòng hộ đầu nguồn, bến nước, thảm thực vật, ao hồ và đặc biệt là các dòng suối đi qua nhiều phố phường, buôn làng của người dân tộc thiểu số tại chỗ). Đô thị này sẽ đẹp và hài hòa hơn một khi những yếu tố thiên nhiên kia được gìn giữ, tôn trọng và khai thác hợp lý. Đến nay TP. Buôn Ma Thuột đã có nhiều công viên, lâm viên được quy hoạch bài bản, chỉn chu bên cạnh các không gian xanh tự nhiên nói trên, khiến toàn cảnh của thành phố - nhìn từ trên cao xuống mang lại nhiều thiện cảm. Theo đó, về mặt kiến trúc đô thị được quy hoạch, xây dựng trong thời gian qua đã gây ấn tượng tốt về sự mới mẻ trong kiểu cách kiến trúc hiện đại xen lẫn truyền thống. Hiện trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã xuất hiện những khu phố, những không gian đô thị có tính thẩm mỹ cao, khác biệt .

Những dự án khả thi

Nói như KTS Nguyễn Văn Tất, những không gian xanh được thiên nhiên ban tặng cũng như con người kiến tạo nên từ trước đến nay luôn được tôn trọng, gìn giữ để từ đó từng bước xác lập bản sắc cho đô thị này từ trong quá khứ đến hiện tại và tương lai. Đô thị Buôn Ma Thuột có hệ thống sông, suối, mặt hồ, vườn, rừng… khá lý tưởng - và đó là những yếu tố cần được nhận diện như những vùng sinh thái đặc biệt để quy hoạch và phát triển thành phố.

Ý tưởng này hiện đang được UBND TP. Buôn Ma Thuột hiện thực hóa bằng những dự án khả thi và tích cực nhằm tạo ra diện mạo mới cho đô thị miền núi này. Được biết, giai đoạn 2022 - 2025, thành phố sẽ đầu tư 2 dự án phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật từ nguồn vốn ODA với tổng mức đầu tư trên 2.700 tỷ đồng để cải tạo hạ tầng hành lang suối Ea Nao và suối Ea Tam.

Dự án sẽ xây dựng những khu công viên cây xanh, điểm sinh hoạt công cộng và các trung tâm thương mại, dịch vụ dọc hai bên con suối nhằm tạo vùng sinh thái xanh cho những khu đô thị mới liền kề.

Việc quy hoạch chi tiết và xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị dọc hành lang suối Ea Tam (đoạn từ cầu Nguyễn Văn Cừ đến Hồ thủy lợi Ea Tam) cũng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý đất đai, xây dựng các công trình khơi thông hành lang suối Ea Tam; đầu tư xây dựng các tuyến phố đi bộ, các khu vực mua sắm hàng lưu niệm, thưởng thức và giới thiệu cà phê Buôn Ma Thuột theo hướng gia tăng tính nhận diện ngày càng rõ ràng hơn về một thành phố cà phê toàn cầu.  

Khi hoàn thành, Hồ thủy lợi Ea Tam sẽ tạo không gian đô thị mới, thơ mộng trong lòng TP. Buôn Ma Thuột.

Đặc biệt là dự án Hồ thủy lợi Ea Tam được khởi công xây dựng từ tháng 3/2020, do UBND TP. Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 1.468 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách địa phương. Dự án nhằm bảo đảm điều tiết được trên 1 triệu mét khối nước phục vụ tưới cho 50 ha lúa và 200 ha cà phê, cây ăn quả, dự phòng nước sinh hoạt cho khoảng 25.000 người thuộc khu vực thành phố và các vùng lân cận. Hồ thủy lợi Ea Tam sẽ là điểm nhấn ấn tượng về mặt cảnh quan, môi trường trong lòng TP. Buôn Ma Thuột - và không gian xanh này được xem là cảnh quan nhân tạo lý tưởng để chuyển hóa mềm không gian đô thị miền núi này như Hồ Xuân Hương của Đà Lạt - Lâm Đồng hay Biển Hồ của Pleiku - Gia Lai.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.