Multimedia Đọc Báo in

Lãnh đạo huyện Krông Bông thăm, hỏi gia đình các nạn nhân tử vong do bị cây đè

12:27, 16/11/2023

Sáng 16/11, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Lê Văn Long đã dẫn đầu đoàn công tác của huyện đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình có thân nhân tử vong do bị cây đè khi vào rừng tìm lan, hái nấm.

Cụ thể, UBND huyện Krông Bông đã hỗ trợ 15 triệu đồng đối với các gia đình có người tử vong (mỗi gia đình 5 triệu đồng) và hỗ trợ người bị thương 2 triệu đồng.

Theo báo cáo của UBND huyện Krông Bông, khoảng 16 giờ ngày 14/11, có một nhóm gồm 12 người dân tộc Mông (cùng trú tại xã Cư Pui) đi lên rừng thuộc địa bàn xã Yang Mao. Đến khoảng 9 giờ ngày 15/11, khi nhóm người đang nằm nghỉ ngơi tại khu rừng thuộc địa phận xã Yang Mao thì bất ngờ bị một cây to đổ đè. Hậu quả làm chết 3 người và bị thương nhẹ 9 người.

Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Lê Văn Long trao tiền hỗ trợ các gia đình có thân nhân tử vong.

Sau khi nhận được thông tin vụ việc trên, UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện khẩn trương phối hợp cùng các cơ quan có liên quan điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân theo quy định. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương nắm tình hình, trấn an tinh thần quần chúng nhân dân; hỗ trợ lực lượng cho gia đình có người mất lo hậu sự.

Cũng theo thông tin từ UBND huyện Krông Bông, đêm 14/11 đến ngày 15/11, trên địa bàn huyện có mưa lớn ở nhiều nơi, lượng mưa phổ biến từ 35 - 215,6 mm. Đặc biệt, tại trạm Yang Mao, lượng mưa đo được là 215,6 mm, trạm Ea Trul 32,8 mm, trạm Cư Pui 35,4 mm. Mưa lớn đã làm ngập một số tuyến đường liên thôn, xã cùng hàng chục ha cây hoa màu khác.

Một số người dân sống trên địa bàn xã Cư Pui chia sẻ, hằng năm vào thời điểm này, người dân địa phương thường đi vào rừng tìm lan và hái nấm rừng. Họ thường dựng một cái lán sẵn ở rừng để ở lại qua đêm. Vào thời điểm nhóm gồm 12 người dân đi vào rừng (chiều ngày 14/11) thời tiết khá thuận lợi, chưa xảy ra mưa, gió lớn.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.