Multimedia Đọc Báo in

Lắp đặt điện chiếu sáng công cộng: Hiệu quả từ “khơi sức dân”

08:14, 22/11/2023

Cùng với nguồn vốn đầu từ ngân sách, huyện Ea Kar đã có nhiều giải pháp “khơi” nguồn lực trong nhân dân, doanh nghiệp để xây dựng các công trình điện chiếu sáng. Hệ thống điện chiếu sáng do Nhà nước và nhân dân cùng làm đã thay đổi diện mạo các vùng quê, làm đẹp khu vực đô thị và góp phần đảm bảo an ninh trật tự địa bàn.

Thôn 10 (xã Ea Đar) có 156 hộ, 536 khẩu được chia thành bốn xóm dân cư. Sau khi có chủ trương của UBND xã về huy động nhân dân đóng góp nguồn lực lắp đặt điện chiếu sáng, cấp ủy, ban tự quản thôn tổ chức họp bàn nhằm xây dựng các phương án. Sau đó, thôn tổ chức họp toàn dân theo Quy chế dân chủ cơ sở để cùng thảo luận mức đóng góp, cách làm, kiểm tra, giám sát. Các tuyến đường được người dân thống nhất chọn để kéo điện chiếu sáng thì đảng viên đều phát huy vai trò đầu tàu gương mẫu.

Ông Lê Duy Cường, đảng viên 55 năm tuổi Đảng bày tỏ: "Khi chủ trương xã hội hóa điện chiếu sáng công cộng được triển khai ở xóm, gia đình tôi xung phong đóng góp đầu tiên với mức 500.000 đồng/hộ. Có điện thì nhà mình cũng sáng, cả con đường bừng sáng, bộ mặt xóm thay đổi hẳn".

Cán bộ xã Ea Đar và Ban tự quản thôn 10 (xã Ea Đar, huyện Ea Kar) khảo sát đường điện chiếu sáng công cộng do Nhà nước và nhân dân cùng làm trên địa bàn thôn.

Với cách làm tương tự, từ năm 2022 đến nay, thôn 10 đã vận động người dân đóng góp kinh phí, cùng với nguồn hỗ trợ của xã để lắp đặt 86 cột điện chiếu sáng ở hai tuyến đường với tổng chiều dài 2.300 m, tổng kinh phí 236 triệu đồng. Trưởng thôn 10 Nguyễn Xuân Thịnh cho hay, tất cả các cột điện chiếu sáng đều có cán để treo cờ Tổ quốc vào dịp lễ, Tết. Các hộ dân trong xóm còn đóng góp tiền để chi trả tiền điện hằng tháng. Để góp phần thực hiện tiêu chí đô thị khi xã Ea Đar phấn đấu lên phường, thôn 10 đang tiếp tục vận động nhân dân đóng góp kinh phí lắp đặt điện chiếu sáng ở một trục đường còn lại với chiều dài 800 m.

Phong trào thi đua kéo điện chiếu sáng đã lan tỏa tại các thôn, buôn trên địa bàn xã nhằm đáp ứng tiêu chí điện trong lộ trình xây dựng xã Ea Đar thành phường trước năm 2025. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ea Đar Vũ Hồng Long, sau khi có chủ trương, kế hoạch của Huyện ủy, UBND huyện Ea Kar, xã Ea Đar đã tổ chức họp, quán triệt trong toàn hệ thống chính trị để tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, xã đã vận động nhân dân đóng góp trên 529,9 triệu đồng, ngân sách huyện và xã hỗ trợ trên 544,7 triệu đồng để lắp đặt 9,95 km điện chiếu sáng với tổng số 398 bóng cả điện năng lượng và điện lưới.

Đường điện chiếu sáng công cộng ở thôn 10, xã Ea Đar (huyện Ea Kar) do Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Xác định điện chiếu sáng công cộng là một trong những tiêu chí quan trọng của tiêu chuẩn đô thị trong tương lai, UBND huyện Ea Kar đã quyết định bố trí ngân sách để hỗ trợ 150 triệu đồng cho mỗi xã, thị trấn xây dựng lên phường và 100 triệu đồng cho mỗi xã không lên phường.

Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nguyễn Thanh Bình cho biết: Để tạo sự thống nhất trong triển khai thực hiện, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện đã xây dựng và ban hành thiết kế mẫu đèn thắp sáng công cộng; đồng thời tổ chức các cuộc họp hướng dẫn các xã, thị trấn trong việc huy động và tổ chức thực hiện tiêu chí điện chiếu sáng công cộng. Trên cơ sở đó, các xã, thị trấn đã cụ thể hóa chủ trương trên phù hợp với điều kiện, đặc thù của địa phương. Công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân được đặt lên hàng đầu. Người dân hiểu rõ chủ trương xã hội hóa “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nên đã “khơi” được nội lực trong dân.

Nhờ vậy, sau hơn một năm phát động, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã huy động được gần 3,2 tỷ đồng, cùng với ngân sách huyện và xã hỗ trợ là 3,712 tỷ đồng để lắp đặt điện chiếu sáng công cộng, tổng chiều dài 118,9 km với tổng số bóng điện lưới và điện năng lượng mặt trời là 3.909 bóng. Không những vậy, nhân dân từng khu, xóm tại các thôn, buôn còn đóng góp kinh phí chi trả tiền điện hằng tháng.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.