Multimedia Đọc Báo in

Mở rộng diện "phủ sóng" bảo hiểm y tế tại Krông Ana

03:49, 17/11/2023

Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Krông Ana đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích, ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), từng bước mở rộng diện bao phủ BHYT trên địa bàn.

Nâng cao nhận thức cho người dân

Từ nhiều năm nay, BHYT được coi là "phao cứu sinh" cho hàng triệu người. Nếu không tham gia BHYT thì những lao động rất dễ rơi vào tình trạng nghèo hóa khi ốm đau, phải điều trị dài.

Đơn cử như trường hợp của ông Y Gai Knul (buôn Drai, xã Ea Na). Năm 2021, ông bị đột quỵ, do không có BHYT, gia đình ông đã phải chi trả viện phí hết gần 100 triệu đồng. Nhận thức được lợi ích của việc tham gia BHYT, ngay sau khi ra viện, ông Y Gai đã quyết định mua BHYT cho ông và các thành viên trong gia đình.

Từ đó đến nay, những lần tái khám hay phải nhập viện điều trị bệnh, ông đều được BHYT thanh toán các khoản viện phí nên gia đình chỉ tốn một khoản nhỏ tiền ăn uống, sinh hoạt. Mới đây, trong một lần khám bệnh, ông phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên để điều trị. Cả quá trình dài nằm viện nhưng ông đã được BHYT chi trả gần như 100%.

Nhân viên thu BHYT, BHXH xã Ea Na (huyện Krông Ana) trả thẻ BHYT cho người dân trên địa bàn.

Dù không còn được hưởng chính sách hỗ trợ BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số từ tháng 6/2021 theo quy định mới nhưng chị H’Seir Ayun (buôn Drai, xã Ea Na) vẫn trích ra hơn 2,5 triệu đồng mỗi năm  để mua BHYT cho cả gia đình. “Với những lao động tự do như chúng tôi, nguồn thu nhập không ổn định nếu không may bị bệnh, tai nạn thì tiền viện phí là cả một vấn đề lớn, nếu có BHYT sẽ bớt gánh nặng. Hiện nay, tham gia BHYT hộ gia đình không bắt buộc cả hộ đóng tiền cùng một thời điểm mà có thể mua nhiều lần trong năm tài chính vẫn được giảm trừ mức phí từ thành viên thứ hai trở đi. Người tham gia BHYT được lựa chọn đóng định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng một lần. Quy định này cũng phần nào giảm gánh nặng tham gia BHYT cho nhiều hộ khó khăn”, chị H’Seir tâm sự.

Việc người dân tham gia BHYT được xem là một hình thức tiết kiệm nhằm giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tật. Hiện nay, quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia ngày càng được mở rộng ở cả phạm vi và mức hưởng BHYT. Chất lượng khám chữa bệnh BHYT cũng ngày càng cải thiện, người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ y tế hiện đại, thuốc mới, hiệu quả cao. Chị Phạm Thị Ngọc Ánh, đại diện Tổ chức thu BHYT, BHXH xã Ea Na chia sẻ: “Với mong muốn từng bước tạo niềm tin cho người tham gia, chúng tôi đã thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc đến từng gia đình người dân để tư vấn, giải đáp vướng mắc; chia sẻ điểm mới, tính ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT theo hướng gần gũi, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ để người nào cũng có thể nắm bắt được thông tin về chính sách BHXH, BHYT và đồng thuận tham gia”.

Tạo điểm tựa cho người tham gia

Huyện Krông Ana là một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Để phát triển BHYT bền vững trong điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, BHXH huyện Krông Ana đã thực hiện các giải pháp trọng điểm, trong đó tập trung tuyên truyền trực tiếp đến nhóm tham gia BHYT hộ gia đình. Đồng thời, tiếp tục mở rộng hệ thống đại lý thu BHYT, phát huy vai trò của những tổ chức, đoàn thể, cá nhân có uy tín trong các khu dân cư để vận động người dân tham gia, thúc đẩy phát triển BHYT theo hộ gia đình.

Đặc biệt, theo Quyết định số 861 ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I giai đoạn 2021 - 2025, nhiều người dân tại địa phương không còn được hưởng chính sách BHYT từ ngân sách nhà nước. Vì thế, BHXH huyện đã xem đây là nhóm đối tượng tiềm năng cần chú trọng vận động tham gia BHYT hộ gia đình.

Người dân đăng ký khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT tại Trung tâm Y tế huyện Krông Ana.

Song song đó, thời gian qua, BHXH huyện đã chú trọng phối hợp với Trung tâm Y tế huyện trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; có thái độ, tinh thần phục vụ tốt, tạo được niềm tin đối với bệnh nhân, góp phần mở rộng đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn. Nhờ đó, việc triển khai lộ trình BHYT toàn dân trên địa bàn huyện đạt được những kết quả tích cực.

Tính đến hết ngày 31/10/2023, toàn huyện có 70.704 người tham gia BHYT, trong đó có 22.324 người tham gia BHYT hộ gia đình, 8.347 học sinh tham gia BHYT; đạt tỷ lệ bao phủ 88,18%. Riêng trong tháng 10/2023, BHXH huyện đã thẩm định chi phí khám chữa bệnh BHYT cho 8.356 lượt người dân, trong đó chi phí khám nội trú 396 lượt người, khám ngoại trú 7.960 lượt người.

Ông Huỳnh Nguyễn Hồ Tân, Giám đốc BHXH huyện Krông Ana cho hay: Bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng nhóm người tham gia, đổi mới cả nội dung lẫn hình thức theo hướng chuyên nghiệp, đúng trọng tâm, trọng điểm; xây dựng các kịch bản phù hợp để tuyên truyền thực hiện chính sách BHXH, BHYT bền vững thì đơn vị còn tập trung thực hiện chủ trương của ngành về cải cách thủ tục hành chính theo hướng tương tác đa phương tiện giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan BHXH. Hiện nay, có trên 97% giao dịch tại BHXH huyện được thực hiện qua hệ thống điện tử. Các nghiệp vụ liên quan đến ngành cũng được triển khai thực hiện toàn bộ trên các phần mềm được quy định. Nhờ đó giúp giảm tải tối đa thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho người tham gia, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc.

Anh Phương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.