Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao chất lượng giáo dục: Nhìn từ trường chuẩn quốc gia (Kỳ cuối)

07:08, 08/11/2023

Kỳ cuối: Hướng tới mục tiêu nâng chuẩn

Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, nhưng trong tiến trình phát triển chung thì tiêu chí trường chuẩn tiếp tục thay đổi, yêu cầu và nhu cầu về học tập cũng cao hơn trước.

Nhận diện rào cản

Trường học đạt chuẩn quốc gia là trường học đạt được 5 tiêu chuẩn (tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục). Các tiêu chuẩn này được nâng dần theo từng thời kỳ, mức độ nhằm phân tầng mục tiêu và bảo đảm tổ chức các hoạt động giáo dục có chất lượng toàn diện; tạo tiền đề tiếp cận với trình độ phát triển giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) ở các nước trên thế giới…

Học sinh Trường THCS Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) thực hành thí nghiệm hóa học tại phòng thực hành của trường.

Trường đạt chuẩn quốc gia có chu kỳ kiểm định và công nhận 5 năm, sau 5 năm sẽ kiểm định để công nhận lại (giữ chuẩn, nâng chuẩn) hoặc không công nhận lại. Qua rà soát của ngành giáo dục, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ thực tế: cơ sở vật chất xuống cấp; một số tiêu chí cần thay đổi, nâng cao theo quy định mới; học sinh ngày càng tăng nên khó bảo đảm tỷ lệ tối thiểu về diện tích trường, sĩ số học sinh/lớp; chất lượng giáo dục ở một số trường không được duy trì, cải tiến và phát triển…

Qua tiến trình phát triển cho thấy, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia đòi hỏi sự đầu tư xuyên suốt, có chiều sâu của cả ngành giáo dục và chính quyền địa phương các cấp; nhất là cơ sở vật chất, hạ tầng. Tại huyện Lắk, nguồn ngân sách đầu tư cho giáo dục có những hạn chế nhất định buộc huyện phải điều tiết theo từng năm, có trường lên kế hoạch đạt chuẩn từ sớm nhưng vẫn chưa đạt chuẩn vì cần sự đầu tư lớn, trong khi đó kinh phí bố trí hằng năm hạn hẹp buộc huyện phải điều tiết sang trường nằm ngoài kế hoạch nhưng cần sự đầu tư ít hơn. Do đó, những năm qua, huyện Lắk tuy bảo đảm kế hoạch xây dựng trường chuẩn nhưng sự dịch chuyển dòng vốn sang trường ngoài kế hoạch đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tổ chức dạy và học tại địa phương, nhất là trường học bị “loại” khỏi kế hoạch xây dựng trường chuẩn một cách bị động.

 

Thời gian tới, Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp nhằm bảo đảm chỉ tiêu trường chuẩn; tăng cường đội ngũ giáo viên đủ định biên theo quy định; bảo đảm 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục để góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT, thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025”.

 
Phó Bí thư  Thường trực Tỉnh ủy  Phạm Minh Tấn

Còn tại TP. Buôn Ma Thuột, tuy sắp “phủ sóng” trường chuẩn quốc gia nhưng việc đánh giá các trường đạt chuẩn ở thời kỳ đầu vẫn chưa thực hiện đúng quy định. Các trường này hiện tại vẫn “yếu chuẩn” và có nguy cơ “rớt chuẩn” do cơ sở vật chất xuống cấp, tỷ lệ học sinh tăng, trong khi đó tiêu chí trường chuẩn lại thay đổi theo hướng yêu cầu cao hơn tiêu chí cũ; chưa kể số trường chưa đạt chuẩn đang vướng vào các tiêu chí khó. Ông Nguyễn Hữu Thọ, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột phân tích, những trường chưa đạt chuẩn đã cơ bản bảo đảm các tiêu chí về nhân lực, tổ chức, chất lượng giáo dục… nhưng lại "vướng" tiêu chí về cơ sở vật chất, diện tích trường nên rất khó đạt chuẩn theo lộ trình nếu không có sự đầu tư tương xứng.

Cần những giải pháp dài hơi

Kế hoạch số 741/KH-UBND ngày 22/1/2021 của UBND tỉnh về Kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 – 2025 xác định mục tiêu thời gian tới là tiếp tục xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và công nhận lại đối với các trường nhằm khuyến khích đầu tư cho giáo dục, tạo điều kiện cho các trường tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục trên địa bàn tỉnh. Các trường học tự đánh giá và dựa vào kết quả đánh giá ngoài để xác định mức độ đáp ứng mục tiêu giáo dục, lập kế hoạch cải tiến chất lượng, duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục của nhà trường.

Cụ thể, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 60% trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% trường đạt chuẩn theo chu kỳ 5 năm được xét công nhận lại; có 3 - 5% số trường đạt chuẩn được nâng chuẩn. Để đạt mục tiêu trên, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; ưu tiên bố trí đủ diện tích để xây dựng mới trường học, bổ sung vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để bảo đảm đủ diện tích đất theo tiêu chuẩn trường học đạt chuẩn quốc gia đối với trường chưa đủ diện tích; rà soát, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 100% trường học…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn trao Bằng khen tặng giáo viên có thành tích xuất sắc trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT quốc gia năm học 2022 - 2023.

Về phía ngành giáo dục, TS. Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, thời gian tới Sở tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc các trường triển khai công tác xây dựng trường đạt chuẩn; yêu cầu các trường học đã đạt chuẩn tiếp tục phát huy và duy trì chất lượng. Đồng thời, lan tỏa phong trào xây dựng trường học hạnh phúc trên nền tảng trường chuẩn quốc gia để duy trì đạt chuẩn và nâng chuẩn; thí điểm xây dựng tiết học thông minh, lớp học thông minh, trường học thông minh…

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.