Multimedia Đọc Báo in

Những nẻo đường du học Mỹ

10:52, 27/11/2023

Tháng 9/2023, khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến thăm Việt Nam cấp Nhà nước, cùng với việc nâng tầm quan hệ hai quốc gia lên Đối tác chiến lược toàn diện, có thể nói các lĩnh vực hợp tác về kinh tế - văn hóa giữa hai nước sẽ được mở rộng hơn, trong đó có chuyện du học sinh Việt Nam sang Mỹ.

Không thể phủ nhận, Mỹ là nơi có môi trường giáo dục khá tốt. Điển hình là số lượng du học sinh trên toàn thế giới đến Mỹ học tập không ngừng gia tăng. Theo thống kê của tổ chức Open Doors (một tổ chức được đánh giá khá tin cậy về dữ liệu, được Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ), năm 2022, có gần 950.000 du học sinh từ hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đến học tại Mỹ, tăng 4% so với năm 2021. Cũng theo thống kê của tổ chức này, năm 2022 có khoảng hơn 2 vạn sinh viên người Việt Nam sang Mỹ học, chiếm 2% học sinh quốc tế, xếp hàng thứ năm về số lượng các quốc gia có nhiều sinh viên du học ở Mỹ.

Du học Mỹ, không quá khó khăn

Nhiều người cho rằng du học Mỹ rất khó. Thực ra, khó hay dễ cũng tùy thuộc vào hoàn cảnh gia đình và năng lực học sinh. Gia đình có điều kiện, tài chính dồi dào thì có thể du học tự túc, nghĩa là chấp nhận đóng học phí và ăn ở. Nếu gia đình xếp vào diện “tương đối” thì con đường du học Mỹ phải dựa vào việc nộp hồ sơ xin học bổng. Tùy vào năng lực và tùy vào chính sách dành cho học sinh quốc tế của mỗi trường mà các em có thể dành được các suất học bổng từ 20 – 80%, thậm chí 100%. Xin nói thêm, phần trăm học bổng đang nói ở đây là phần trăm học phí ở trường mà các em theo học (ở Mỹ cũng có trường cho luôn phí ăn ở nhưng rất ít, thường ở những nơi khá hẻo lánh và kèm theo một vài điều kiện).

Con đường xin học bổng thì tùy thuộc năng lực các em. Thứ nhất là điểm trung bình của 3 năm THPT (có thể chỉ là hai năm lớp 10 và 11 và học kỳ 1 năm lớp 12, trường hợp các em xin học bổng sớm để có thể đi ngay sau khi tốt nghiệp THPT) gọi là điểm GPA (viết tắt của Grade Point Average tức điểm trung bình các môn học sau một kỳ học, bậc học). Cùng với điểm GPA là năng lực tiếng Anh dựa vào các chứng chỉ như IELTS, TOEIC… Thứ hai, là năng lực hoạt động xã hội, cộng đồng. Mỹ rất chú trọng mối quan hệ cá nhân – cộng đồng và luôn khuyến khích cái “tôi” mỗi người hướng ra xã hội, vì vậy em nào có những tài năng như thể thao, tham gia các câu lạc bộ, hoạt động thiện nguyện, đồng hành các tổ chức hoạt động xã hội phi lợi nhuận… thì xem như có “điểm cộng” trong hồ sơ. Và thứ ba, là bài luận theo yêu cầu mỗi trường. Bài luận thường không dài, chỉ tầm 500 – 700 chữ hoặc 1000 chữ. Cá tính, niềm yêu thích, nói chung là tính cách của sinh viên tương lai sẽ thể hiện qua bài luận này, và qua đó Hội đồng tuyển chọn học sinh quốc tế của mỗi trường sẽ sàng lọc, ghi nhận và quyết định mức cấp học bổng tương ứng.

Tấm áo của con nhà nghèo

Dĩ nhiên, gia đình nào tài chính dư dả thì các em không phải lo toan khi du học. Còn lại, với những gia đình có điều kiện không tốt thì đòi hỏi ở du học sinh nghị lực sống, nỗ lực trong học tập và làm việc. Làm việc ở đây không chỉ trau dồi kỹ năng sống, trải nghiệm mà còn để bù đắp chi phí mà lẽ ra gia đình phải cáng đáng.

Khuôn viên Trường Đại học Clark (Clark University, bang Massachusetts, Mỹ).

Gần như hầu hết các trường đại học Mỹ quy định học sinh quốc tế phải ở ký túc xá 2 năm đầu (có trường chỉ 1 năm). Chi phí ăn ở trong trường là bắt buộc nên so với ở ngoài thì đắt đỏ hơn (thuê trọ ở ngoài và tự lo ăn uống sẽ rẻ hơn). Tuy nhiên bù lại, chính sách lao động ở Mỹ cho phép du học sinh được làm thêm tối đa mỗi tuần 20 giờ. Các bạn du học sinh muốn đỡ đần cho gia đình sẽ kiếm việc làm ngay trong trường như làm bếp, trực thư viện, văn phòng hỗ trợ sinh viên… Giờ làm việc được trả tiền tùy theo bang nhưng sau khi trừ thuế vẫn còn khoảng từ 600 – 800 USD mỗi tháng, giảm rất nhiều gánh nặng cho phụ huynh.

Đặc biệt, sau khi ra ngoài ở, tiền trọ và tiền ăn dao động từ 500 – 700 USD mỗi tháng thì hầu như các bạn du học sinh, nếu chịu khó tìm việc làm thêm đều có thể tự lo cho bản thân đến lúc tốt nghiệp đại học.

Học, sống và trải nghiệm

Học không phải chỉ để thu nạp kiến thức. Du học cũng vậy, không phải chỉ để sáng tối lên giảng đường, thư viện mà còn để sống và trải nghiệm trong môi trường giáo dục cụ thể. Trong thời buổi thế giới trở thành “ngôi làng toàn cầu” thì việc học ở đâu không quá quan trọng. Kiến thức có thể nằm ở ngay dưới bàn phím, trên màn hình máy tính. Nhưng nếu thiếu những kỹ năng sống hoặc không thích nghi với những va đập của các nền văn hóa thì sẽ là một bất lợi về sau cho các em, nhất là trong môi trường làm việc cần và đòi hỏi những tố chất kể trên.

Phạm Xuân Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.