Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui an cư

08:10, 07/11/2023

Nhờ tiếp cận vốn vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP, ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719), nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại huyện Krông Pắc đã có điều kiện xây dựng nhà ở khang trang, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống.

Được thành lập năm 2006 khi thực hiện Chương trình 134, buôn Ea Su (xã Ea Phê) vẫn nằm trong diện đặc biệt khó khăn. Toàn buôn có 123 hộ và vẫn còn hơn 40 hộ nghèo, trong đó có nhiều hộ gặp khó khăn do nhà ở xuống cấp, không đảm bảo nhu cầu sinh hoạt. Đầu năm 2023, khi Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Krông Pắc triển khai gói vay hỗ trợ nhà ở theo Chương trình 1719, cấp ủy, ban tự quản buôn đã phối hợp khảo sát nhu cầu, nguyện vọng và hỗ trợ bà con tiếp cận sớm nguồn vốn ưu đãi này.

Anh Y Pluêh Byă (bìa phải) chia sẻ niềm vui của gia đình khi xây dựng được căn nhà mới khang trang.

Gia đình anh Y Pluêh Byă là một trong 5 hộ đầu tiên của buôn Ea Su được tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ nhà ở. Gia đình anh chuyển về buôn Ea Su từ năm 2010. Kinh tế khó khăn, lúc ấy vợ chồng anh chỉ xây được căn nhà 25 m2 trên diện tích đất Nhà nước cấp theo Chương trình 134 để ổn định đời sống. Qua thời gian, căn nhà đã xuống cấp, ảnh hưởng rất nhiều đến việc ăn ở, sinh hoạt của 5 thành viên trong gia đình. Có nguồn vốn vay 40 triệu đồng, vợ chồng anh đã bỏ thêm tiền tích lũy, nhờ anh em, họ hàng cùng chung tay hỗ trợ ngày công xây dựng nhà mới. Đến nay, căn nhà đã hoàn thiện với diện tích sử dụng 75 m2, gồm 2 phòng ngủ, phòng khách, nhà bếp và nhà vệ sinh.

Anh Y Pluêh Byă chia sẻ, khi nghe thông tin về chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở, ban đầu vợ chồng anh khá lo lắng bởi đang còn nợ khoản vay 50 triệu đồng của NHCSXH để đầu tư chăn nuôi bò. Thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, anh được cán bộ NHCSXH tư vấn, hướng dẫn cặn kẽ về thời hạn vay, lãi suất và nhận thấy gói vay này có lãi suất rất ưu đãi, thời hạn lại được kéo dài lên đến 15 năm nên gia đình anh hoàn toàn yên tâm về khả năng trả nợ. Cũng nhờ mạnh dạn vay vốn nên gia đình anh mới sớm có được căn nhà mơ ước và thêm quyết tâm phấn đấu thoát nghèo.

Chung niềm phấn khởi khi được vay vốn tín dụng chính sách, vợ chồng chị H’Cĩ Niê (buôn Kreh A, xã Ea Knuếc) cũng đang gấp rút hoàn thiện căn nhà mới cho gia đình. Trước đây, cả gia đình 4 người sinh hoạt trong không gian nhà ở chỉ khoảng 30 m2. Được vay 40 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ nhà ở theo Chương trình 1719, vợ chồng chị đã xây mới thêm 40 m2 kết hợp với sửa chữa nhà ở cũ thành căn nhà khang trang với 1 phòng khách, 2 phòng ngủ và bếp.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Pắc hướng dẫn chị H’Cĩ Niê sử dụng hiệu quả các khoản vốn vay ưu đãi.

Chị H’Cĩ cho biết, đầu năm 2023, chị đã được vay 70 triệu đồng vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo để đầu tư trồng sầu riêng, cà phê. Nay đã có nhà mới, gia đình chị càng có thêm động lực để yên tâm phát triển kinh tế gia đình và phấn đấu sớm thoát nghèo.

Theo rà soát của các địa phương, trong giai đoạn 2023 – 2025, huyện Krông Pắc có gần 800 hộ nghèo thuộc vùng thực hiện Chương trình 1719 khó khăn về nhà ở. Trưởng Phòng Dân tộc huyện Krông Pắc Phạm Hồng Thái cho hay, việc triển khai nhanh chóng, kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi là kênh hỗ trợ thiết thực để các hộ nghèo cải thiện điều kiện nhà ở, ổn định đời sống. Từ đầu năm 2023 đến nay, đã có 22 hộ nghèo thuộc vùng đồng bào DTTS được vay vốn ưu đãi để xây dựng nhà ở với số tiền 40 triệu đồng/hộ, lãi suất chỉ 3%/năm và thời gian vay vốn lên đến 15 năm. Từ nguồn vốn vay này, các hộ nghèo đã tự bỏ thêm kinh phí, ngày công và hoàn thiện những căn nhà mới khang trang, sạch đẹp, góp phần nâng cao đời sống của bà con đồng bào DTTS ở các vùng còn nhiều khó khăn. 

Trong thời gian tới, bên cạnh việc thực hiện các gói tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP, ngày 26/4/2022 của Chính phủ, huyện Krông Pắc sẽ tiếp tục triển khai hỗ trợ về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt từ nguồn vốn của Chương trình 1719 được UBND tỉnh phân bổ. Đồng thời, tích cực động viên, lồng ghép các nguồn lực, huy động sự chung tay của các tổ chức chính trị - xã hội, từng bước giảm nghèo bền vững cũng như nâng cao mọi mặt đời sống của bà con vùng đồng bào DTTS.

Theo Quyết định 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, huyện Krông Pắc có 11 xã thuộc phạm vi thực hiện Chương trình 1719, gồm các xã: Ea Hiu, Ea Phê, Tân Tiến, Ea Uy, Ea Knuếc, Vụ Bổn, Ea Yiêng, Hòa Đông, Ea Kênh, Ea Yông và Krông Búk.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.