Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực lan tỏa chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

07:09, 10/11/2023

Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) được xem là một trong những “trụ cột” quan trọng của hệ thống an sinh xã hội.

Chính vì vậy, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như BHXH huyện Krông Bông đã nỗ lực thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Từ đó, mở rộng mạng lưới an sinh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Tăng độ bao phủ BHXH, BHYT

Để thực hiện tốt công tác BHXH, BHYT trên địa bàn huyện, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết của Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Bông đã ban hành Chỉ thị số 09–CT/HU về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác BHXH, BHYT trên địa bàn huyện giai đoạn 2020 – 2025.

Theo đó, giao UBND huyện, các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình tổ chức phổ biến, tuyên truyền, thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH huyện trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra và tổ chức thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn huyện.

Cán bộ BHXH huyện Krông Bông tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp ở xã Hòa Sơn.

UBND huyện cũng đã trình HĐND huyện xem xét hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện đối với đối tượng là cán bộ thôn, buôn, tổ dân phố theo đúng trình tự, thẩm quyền và các quy định của pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, huyện cũng đã tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, các trang trại để đảm bảo việc chấp hành nghiêm Luật Lao động, Luật BHXH, Luật BHYT và Luật Việc làm.

Ban Thường vụ Huyện ủy cũng giao các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện phụ trách địa bàn, trưởng các phòng, ban, ngành phụ trách xã, thị trấn trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Huyện ủy về nhiệm vụ phát triển người tham gia BHXH, BHYT tại địa bàn được phân công phụ trách. Các chi, đảng bộ trực thuộc Huyện ủy tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về nhiệm vụ phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Đối với các xã vùng đặc biệt khó khăn, tổ chức rà soát đề nghị cơ quan BHXH huyện cấp đủ và kịp thời thẻ BHYT cho 100% người dân. Các xã còn lại xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động hộ gia đình tham gia BHYT, đặc biệt chú trọng hướng dẫn hộ gia đình làm thủ tục đăng ký công nhận mức sống trung bình để được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT.

Người dân tìm hiểu các chính sách BHYT tại Trung tâm Y tế huyện Krông Bông.
 
“Việc giao chỉ tiêu thực hiện phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp từ cấp huyện đến cấp xã được triển khai đồng bộ, toàn diện đã góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của nhân dân về các chính sách này. Người dân đã hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho bản thân, các thành viên gia đình, cộng đồng xã hội”.
 
Ông Y Thức Êban, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp huyện Krông Bông

Nhờ sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ngành và các đoàn thể, đến nay tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn huyện đã đạt 101% kế hoạch, tỷ lệ người tham gia BHXH bắt buộc đạt hơn 91%, tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 55%. Quan trọng hơn, nhận thức của cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành cũng như người dân trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã có sự chuyển biến mạnh mẽ.

Chú trọng công tác tuyên truyền

Không chỉ có chính sách BHYT đi vào nền nếp mà công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện của huyện Krông Bông cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Với nhiều cách làm sáng tạo trong tuyên truyền, vận động của các đại lý thu, cán bộ, nhân viên cơ quan BHXH huyện, người dân ngày càng quan tâm hơn đến chính sách BHXH, BHYT để an tâm hơn trong cuộc sống.

Giám đốc BHXH huyện Krông Bông Trần Văn Huy cho biết, để các chính sách BHXH, BHYT lan tỏa đến đông đảo người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, công tác tuyên truyền đã được đơn vị phối hợp với các địa phương thực hiện bằng nhiều hình thức. BHXH huyện cũng thường xuyên mở hội nghị tuyên truyền trực tiếp tại các thôn, buôn và mời già làng hoặc người có uy tín dự. Từ đó, những đối tượng này sẽ chia sẻ lợi ích khi về già có lương hưu hoặc thống kê người dân tại thôn, buôn đã khám chữa bệnh BHYT có chi phí lớn…

Trong thời gian tới, BHXH huyện tiếp tục phối hợp, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách. Đồng thời, đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống BHXH theo hướng phục vụ nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi và sự hài lòng của đơn vị, người tham gia.

Đơn vị cũng sẽ phối hợp với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người thân, người trong độ tuổi lao động, người lao động… tham gia đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.

Trong đó, đặc biệt quán triệt cán bộ, đảng viên và người lao động tích cực và gương mẫu đi đầu trong việc vận động, tham gia BHXH tự nguyện cho người thân của mình.

Phối hợp với các tổ chức dịch vụ thu mời người dân, người lao động thuộc đối tượng tham gia hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH tự nguyện để biết lợi ích và ý nghĩa của chính sách BHXH tự nguyện. Từ đó có cơ sở lựa chọn việc tham gia, mức tham gia và quyền lợi được hưởng.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.