“Sóng ngầm” sau cổng trường
Thời gian qua, nhiều vụ BLHĐ xảy ra với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng, như những cơn "sóng ngầm" sau cổng trường, tiềm ẩn hệ lụy khó lường.
Ám ảnh việc "đánh hội đồng"
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, từ ngày 1/9/2021 - 5/11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ BLHĐ với 2016 học sinh liên quan, trong đó 854 học sinh là nữ. Riêng tại tỉnh Đắk Lắk, chỉ tính riêng từ đầu năm học 2023 - 2024 đến nay đã xảy ra 6 vụ. Đặc biệt, BLHĐ không chỉ xảy ra ở lứa tuổi học sinh THCS, THPT mà ngay ở cả cấp tiểu học cũng đã có những vụ việc khiến dư luận “nổi sóng”.
Mới đây, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Năng đã có thông tin ban đầu về vụ BLHĐ xảy ra tại Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (xã Ea Tân). Theo đó, vào ngày 9/11, một học sinh lớp 4 của trường bị 10 bạn cùng lớp đánh hội đồng ngay tại lớp học. Phụ huynh học sinh này thấy con gái đi học về trên cơ thể có nhiều vết thương và bầm tím nên gặng hỏi thì em mới kể lại sự việc bị 10 bạn cùng lớp nhốt, đánh, đấm, dùng bút chọc vào người nhưng em không dám báo cô giáo. Sau sự việc xảy ra, em hoảng sợ, không dám đi học, đến nay tâm lý vẫn chưa ổn định.
Học sinh Trường THCS Ngô Mây (xã Ea M'droh, huyện Cư M'gar) nêu ý kiến tại chuyên đề "Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường". |
Trường THCS Hùng Vương (TP. Buôn Ma Thuột) cũng vừa có văn bản báo cáo cơ quan chức năng về vụ việc một học sinh của trường bị đánh hội đồng. Theo đó, trưa 3/11, sau giờ tan học, một nam học sinh của trường vừa ra khỏi cổng trường một đoạn liền bị nhóm học sinh của trường khác (cùng địa bàn TP. Buôn Ma Thuột) lao vào đánh tới tấp, em ngã lăn xuống đường mà vẫn bị nhóm này xông vào đấm đá liên tục, dẫn đến thương tích...
Nhận diện bạo lực học đường
Đó mới chỉ là những vụ việc bị phát hiện, còn thực tế BLHĐ vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự cần thiết phải có các phương thức nhận diện, ngăn chặn kịp thời. Thạc sĩ tâm lý học Đặng Thị Thanh Tâm (Trường Cao đẳng FPT Polytechnic) cho biết, các hình thức BLHĐ phổ biến hiện nay gồm: bạo lực thể chất (các hành vi đánh đập, xô xát, trấn lột…); bạo lực tinh thần (nói xấu, chửi rủa, xúc phạm, tẩy chay…); bạo lực trên mạng xã hội (đăng tải thông tin sai sự thật, uy hiếp, bình luận ác ý…); bạo lực tình dục (sàm sỡ, quấy rối, xâm hại…)... Học sinh bị BLHĐ thường có xu hướng giữ im lặng, che giấu, sợ vì bị đe dọa, lo lắng vì bị đánh.
Học sinh Trường THCS Ngô Mây (xã Ea M'droh, huyện Cư M'gar) nêu ý kiến của bản thân tại chuyên đề "Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường". |
Một số biểu hiện của học sinh bị BLHĐ có thể dễ nhận ra về mặt thể chất nhưng không phải lúc nào cũng dễ nhận ra về mặt tinh thần, nhiều em không chỉ có biểu hiện tâm lý bất thường mà còn trở nên xa lánh, tách biệt với gia đình, bạn bè, không thích tham gia hoạt động ở trường, lớp. Nhiều em không biết cách giải quyết vấn đề sẽ khiến bản thân trở nên tự ti, có những cảm xúc tiêu cực, áp lực tâm lý quá lớn nếu không được giải tỏa đúng cách sẽ có thể dẫn đến trầm cảm, có những hành vi tự hại bản thân mình hoặc gây hấn với người khác. Vì thế, bố mẹ cần quan tâm con cái, là chỗ dựa tinh thần, tâm lý cho con. Bên cạnh đó, giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm phải sát sao quan tâm xem học sinh có những biểu hiện bất thường để kịp thời tìm hiểu nguyên nhân, chia sẻ, động viên, giúp đỡ, tránh việc để vấn đề quá lâu sẽ để lại những hậu quả nặng nề.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV vào sáng 8/11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD-ĐT đã thống nhất với Bộ Nội vụ, tới đây có thêm một vị trí việc làm chuyên về tư vấn tâm lý học đường trong nhà trường. Đây sẽ là một trong những điều kiện cần để phòng ngừa nguy cơ BLHĐ. |
Huyền Diệu
Ý kiến bạn đọc