Tâm tư thầy trò trung tâm huấn luyện thể thao
Đương khi dư luận bàn tán về bữa ăn “quá đắt” với các vận động viên trẻ quốc gia, ở một trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao cấp tỉnh, lại là cảnh những người thầy nghiêm khắc với học sinh lên lớp, với mong muốn các em phải được tốt nghiệp với kiến thức tốt hơn. Nước mắt và mồ hôi của những thầy trò ấy xuất phát từ “trách nhiệm làm thầy”.
Thầy Nguyễn Toàn Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Đắk Lắk (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tâm sự, kết thúc năm học 2022 – 2023 vừa qua, 197 học sinh thuộc trung tâm đều được lên lớp. Đây là lần đầu tiên, các học sinh trung tâm đạt kết quả học văn hóa cao như vậy.
Không vì thành tích mà mất căn bản
Con số 100% học sinh được lên lớp nghe ra thật quá bình thường ở các trường phổ thông, nhưng với các thầy cô và học sinh ở Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Đắk Lắk, đây lại là một nỗ lực vượt bậc. Nhiều năm nay, trung tâm luôn là địa chỉ dạy văn hóa phổ thông cho các em là vận động viên trẻ, những tài năng thể thao của tỉnh nhà. Bởi do điều kiện tập luyện, thi đấu thành tích cao, các em đã phải rời gia đình từ sớm, tham gia sinh hoạt, học tập tập trung ở trung tâm, vừa phải cân đối lịch tập luyện, thi đấu, vừa phải đảm bảo việc học tập kiến thức văn hóa.
"Nói nghe rất dễ nhưng với các em trong độ tuổi ăn tuổi ngủ, ngày nào cũng tập luyện thể thao chuyên môn với cường độ lớn, nếu trong giải thi đấu phải tăng cường vận động hằng ngày thì khả năng học tập kiến thức sút giảm rất nhiều. Các em không thể vừa tập luyện thi đấu tốt, vừa theo đuổi được lịch học, thời khóa biểu ở trường phổ thông như bao nhiêu bạn bè đồng trang lứa khác. Do đó, phải giúp các em học tập văn hóa tại trung tâm, sao cho đủ kỹ năng kiến thức ở bậc học phổ thông là cả một vấn đề" - thầy Thắng chia sẻ.
Với thầy Thắng, một giáo viên từ môi trường sư phạm giáo dục chuyển qua đào tạo huấn luyện vận động viên thể thao và các giáo viên ở trung tâm, việc các em phải đạt thành tích thi đấu, dự các giải thành tích cao là điều cần đốc thúc động viên. Nhưng, làm sao để các em được học tốt, đủ điều kiện tốt nghiệp THPT và có kiến thức học tập thật sự, lại là một thách thức.
Sự thật ai cũng thấy, rất nhiều vận động viên thể thao tài năng của các bộ môn thi đấu trong nước, sau giai đoạn đỉnh cao tài năng, đến tuổi “nghỉ hưu” sẽ vấp phải trở ngại về kiến thức văn hóa phổ thông. Bởi đa phần các em tập trung vào thành tích thi đấu, nên không thể bảo đảm chất lượng học tập văn hóa, nhiều em không đủ điểm tốt nghiệp THPT, phải “đặc cách” cho qua điểm. Đáng buồn là những hỗ trợ này không bù đắp được chỗ trống trong kiến thức chuyên môn và các kỹ năng học tập khác, khiến nhiều vận động viên trẻ khi ngừng thi đấu phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức trong cuộc sống. Thầy Thắng trải lòng: “Chúng tôi biết có những vận động viên tài năng, đem nhiều huy chương giá trị về cho tỉnh, cho đất nước nhưng khi trở về cuộc sống đời thường không có bằng cấp, chỉ có thể làm lao động tự do, bảo vệ, xe ôm… Làm sao để các em không lâm vào những cảnh ngộ đau lòng ấy, mai một ý chí và tài năng của các em, thì chỉ có cách động viên các em học, học thật tốt để có đủ kiến thức văn hóa phổ thông, không thua kém ai cả”.
Cô trò Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Đắk Lắk. |
Không thể vì thành tích mà đánh mất kiến thức căn bản, là tiêu chí quan trọng mà thầy trò Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Đắk Lắk đã đặt ra trong những năm qua, và theo sau quyết tâm này là rất nhiều mồ hôi, nước mắt…
Hãy tôn tạo những quyết tâm!
Theo thầy Thắng, hiện nay trung tâm tổ chức học văn hóa vào buổi sáng, tập luyện thể thao vào buổi chiều và hỗ trợ các em vận động viên ôn bài vào buổi tối. Trong điều kiện tập luyện bình thường, lịch học tập này đã khiến các em rất mệt mỏi, căng thẳng, thì mỗi khi vào mùa giải đấu, các em còn bị gián đoạn học hành khi theo các đoàn đi tranh giải ở xa. Việc học văn hóa của các em vì thế có khi đứt quãng cả tháng trời. Để bổ sung những hoàn cảnh này, các em được bố trí học thêm vào ngày thứ bảy, chủ nhật và các buổi tối có thể thu xếp.
“Bọn trẻ rất mệt mỏi khi phải tuân thủ lịch học tập và huấn luyện như vậy. Nên chúng tôi nhiều khi phải quát tháo, hăm dọa, tìm đủ mọi cách để tất cả lên lớp, tất cả phải làm bài. Chúng tôi luôn nhắc nhở, vì tương lai về sau, phải tốt nghiệp học tập cho đàng hoàng, và các em biết điều đó. Nhiều phụ huynh quan tâm đã rất ủng hộ chúng tôi. Nhưng nhiều khi, nhìn những học sinh mệt lả sau giờ tập luyện, có em không cầm nổi cây bút, có em gục đầu trên vở ngủ thiếp đi, chúng tôi không thể làm căng thẳng được. Vừa quát tháo, vừa đau xót trong lòng, điều ấy không phải ai cũng hiểu được”, thầy Thắng tâm sự.
Thực tế đến nay, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Đắk Lắk chỉ có hai biên chế cơ hữu, điều động từ Sở GD-ĐT sang làm công tác quản lý là chính, còn lại là 28 giáo viên thỉnh giảng, hợp đồng. Dù tất cả đã nỗ lực hợp tác, cùng tìm cách nâng chất lượng giáo dục nhưng vẫn không đủ cơ số và điều kiện hoạt động ổn định. Trung tâm mong muốn với các bộ môn chính cần có thêm giáo viên cơ hữu để đảm trách hướng dẫn cho các học sinh tốt hơn. Song có lẽ, trong điều kiện chung của các trung tâm huấn luyện thể thao cả nước, mơ ước đủ nhân lực giáo dục này là một yêu cầu khó khăn.
“Nhưng chúng tôi vẫn đang quyết tâm, nỗ lực để bám lớp, bám học sinh, giúp các em, các cháu có được bằng tốt nghiệp xứng đáng”, thầy Thắng kết luận và mỉm cười như tự trấn an bản thân mình.
Thụy Bất Nhi
Ý kiến bạn đọc