Multimedia Đọc Báo in

Viêm da cơ địa: Đề phòng biến chứng

08:51, 19/11/2023

Viêm da cơ địa là bệnh mạn tính tiến triển từng đợt khiến người bệnh khó chịu, ngứa ngáy, mất ngủ, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính nhưng thường gặp nhất là ở trẻ nhỏ.

Con chị Phạm Xuân Phương (trú phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) bị mắc viêm da cơ địa từ khi bé mới 5 tháng tuổi. Lúc đầu cháu chỉ xuất hiện mảng đỏ nhỏ ở má, sau lan rộng ra khắp má kèm mụn nước gây ngứa ngáy khiến cháu ngủ không ngon giấc. Mặc dù đã điều trị nhiều lần nhưng cứ được một thời gian là bệnh lại tái phát. Cũng không ít lần gia đình tự tìm các loại thuốc lá, thuốc được quảng cáo trên mạng xã hội mua về bôi cho cháu nhưng bệnh vẫn không đỡ nên chị phải đưa cháu lên Trung tâm Da liễu tỉnh để khám, điều trị.

Ảnh minh họa

Theo bác sĩ Hoàng Nguyên Duy, Giám đốc Trung tâm Da liễu tỉnh, viêm da cơ địa (chàm thể tạng) là một bệnh lý phổ biến trên thế giới. Bệnh gây ngứa nhiều kèm khô da, diễn tiến mạn tính với những đợt bùng phát. Nguy cơ mắc bệnh tăng ở những người tiền sử gia đình có cha hoặc mẹ có cơ địa dị ứng, tuy nhiên, yếu tố môi trường dường như cũng đóng vai trò trong sự phát triển bệnh. Bệnh gây ra bởi bốn yếu tố chính: di truyền, tổn thương hàng rào bảo vệ da, rối loạn đáp ứng miễn dịch và môi trường. Triệu chứng điển hình của bệnh là khô da, ban đỏ, ngứa tạo thành vòng xoắn bệnh lý: ngứa - gãi - ban đỏ ngứa…, làm cho bệnh nặng hơn và có nguy cơ bị bội nhiễm. Bệnh có ba giai đoạn gồm giai đoạn cấp tính: Biểu hiện là mảng hồng ban ranh giới không rõ, các sẩn và đám sẩn, mụn nước tiết dịch, không có vảy da. Da bị phù nề, chảy dịch, đóng vảy tiết. Các vết xước do gãi tạo vết chợt, khi bội nhiễm tụ cầu tạo các mụn mủ và vẩy tiết vàng. Bệnh thường khu trú ở trán, má, cằm, nặng hơn có thể lan ra tay, thân mình. Giai đoạn bán cấp các triệu chứng nhẹ hơn, da không phù nề, tiết dịch. Giai đoạn mạn tính da dày thâm do ngứa gãi nhiều, ranh giới rõ, liken hóa, các vết nứt đau.

Theo các bác sĩ, nhìn chung viêm da cơ địa không gây ra biến chứng nguy hiểm tới tính mạng người bệnh nhưng nếu không điều trị đúng, kịp thời sẽ khiến bệnh dễ tái đi tái lại, gây nhiễm trùng, nhiễm vi rút và nhiễm nấm là ba biến chứng thường gặp trong bệnh viêm da cơ địa. Do đó, để phòng ngừa biến chứng, người bệnh cần lưu ý tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh các yếu tố làm bệnh nặng hơn, cần nhẹ nhàng với da, không chà xát, cào gãi mạnh dễ gây tổn thương da nặng nề hơn. Khi tổn thương lan tỏa, không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với điều trị cần tái khám ngay.

Viêm da cơ địa là một tình trạng mạn tính, phần lớn không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát được, vì vậy người bị viêm da cơ địa cần có thói quen, lối sống phù hợp để tránh các đợt tái phát. Tránh các yếu tố khởi phát hoặc làm bệnh nặng hơn như nhiễm trùng da, thức ăn dị ứng, căng thẳng thần kinh, lưu ý khi sử dụng một số sản phẩm chăm sóc da, hóa chất, chất tẩy rửa, bột giặt chứa hương liệu… Nên duy trì chế độ chăm sóc da phù hợp, lựa chọn và sử dụng dưỡng ẩm đúng cách, tắm đúng cách, giặt quần áo bằng những sản phẩm không chứa hương liệu và chất tạo màu và lưu ý tái khám khi có biểu hiện bất thường để được khám và điều trị đúng, kịp thời, tránh tái phát nhiều lần. Không nên tự chẩn đoán, tự mua thuốc điều trị sẽ làm cho bệnh nặng hơn, thậm chí biến chứng vì dùng thuốc không rõ nguồn gốc.

Mai Lê


Ý kiến bạn đọc