Multimedia Đọc Báo in

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm: Hướng đi giảm nghèo bền vững

07:04, 13/12/2023

Năm 2023, tỉnh Đắk Lắk tập trung làm tốt công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, qua đó giúp nhiều lao động có việc làm mới, giảm tỷ lệ thất nghiệp, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Trong năm 2023, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo 41.633 học viên, học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp, vượt 0,83% kế hoạch (KH).

Cụ thể, đào tạo trình độ cao đẳng 1.600 sinh viên, trung cấp 3.900 học sinh, sơ cấp 17.600 học viên và dưới 3 tháng 18.533 học viên (có 4.576 đối tượng được hỗ trợ đào tạo nghề thuộc Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg).

Nhờ đó, đến nay tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt 63% (đạt 100% KH), trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 21,57%.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, để hạn chế tình trạng người lao động sau khi đào tạo nghề không có việc làm, hoặc học xong nhưng không làm nghề đã học, đơn vị phối hợp với các sở, ngành, địa phương, cơ sở đào tạo rà soát danh mục đào tạo nghề phù hợp với yêu cầu xã hội và nhu cầu của người học.

Đa phần người lao động áp dụng hiệu quả kiến thức đã học vào sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng, tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập.

Ông Ngô Xuân Liễu (bìa trái), Giám đốc Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm (Cục Việc làm) gặp gỡ, trò chuyện với người lao động tại Hội chợ việc làm tỉnh Đắk Lắk năm 2023. Ảnh: Nguyên Hoa

Đơn cử tại huyện Krông Bông, năm 2023 tổ chức được 7 lớp đào tạo nghề may dân dụng, kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò, xây dựng dân dụng, nấu ăn cho 245 lao động nông thôn. Kết thúc khóa học nghề, người lao động được cấp chứng chỉ nghề, có thể tự tạo việc làm, tìm kiếm việc làm trong và ngoài nước để cải thiện thu nhập.

 

Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 1,75% (KH: 1,5 - 2,0%), trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm 3,5% (KH: 3 - 4%).

Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm còn 2,45% (KH: 2,45%).

Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động tham gia hoạt động kinh tế chiếm 58% (KH: 58%).

Còn tại huyện M'Drắk có đến 46% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chính quyền nơi đây đã chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch đào tạo nghề gắn với với quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) địa phương.

Nội dung, chương trình đào tạo đổi mới, học đi đôi với thực hành, được trang bị các kỹ năng giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, tìm kiếm việc làm, ý thức kỷ luật lao động. Một số ít học viên sau khóa học nghề đã tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), còn lại khởi nghiệp, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình thành công với nghề chăn nuôi, may mặc, xây dựng…

Cùng vào cuộc giải quyết việc làm

Cùng với công tác đào tạo nghề, vấn đề giải quyết việc làm được tỉnh quan tâm thực hiện hiệu quả.

Ngoài sự nỗ lực của ngành LĐ-TB&XH, các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố đã chủ động thực hiện KH của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững, hội nhập nhằm phục hồi nhanh và phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời sáng tạo, lồng ghép chương trình việc làm với các chương trình phát triển KT-XH khác, như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình phát triển KT-XH của tỉnh, của huyện, thị xã, thành phố.

Tiết thực hành của học viên lớp Tin học ứng dụng khóa 2022 - 2024, Trường Trung cấp Tây Nguyên. Ảnh: Nguyên Hoa

Về phía người lao động của tỉnh đã chủ động hơn trong việc tìm việc làm, chuyển đổi việc làm, tự tạo việc làm phù hợp với trình độ, năng lực của bản thân. Với những giải pháp tích cực trên, năm 2023 toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 30.170 người, bằng 100,56% KH (XKLĐ khoảng 1.590 người, đạt 106% KH).

Góp phần quan trọng vào kết quả giải quyết việc năm 2023 có sự vào cuộc của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh với 4.180 dự án vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, tổng số tiền giải ngân 199 tỷ đồng, đã giải quyết việc làm cho 4.180 lao động, trong đó có 1.796 lao động nữ, 156 lao động DTTS. Trong năm có 70 lao động thuộc các đối tượng được vay vốn ưu đãi gần 6,5 tỷ đồng tham gia XKLĐ. 

Nguyễn Lý


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.