Multimedia Đọc Báo in

Hạnh phúc non sông, hạnh phúc nhà

18:11, 25/12/2023

Tình yêu lứa đôi của những người lính cụ Hồ trong kháng chiến luôn gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước…

Lời hẹn ước nơi chiến trường

Năm 1965, ông Hồ Văn Cư (SN 1941, hiện ở thôn 10, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) nhập ngũ vào Thị đội H6 (Đắk Lắk), sau đó chuyển về Thông tin Tỉnh đội. Với nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc kịp thời, bí mật nên dọc đường chiến trận, ông Cư thường hoạt động ở dưới hầm sâu, trong rừng hoặc trong hang đá, ít có thời gian tiếp xúc với phụ nữ.

Năm 1969, bà H Rít Niê (SN 1952, dân tộc M’nông, quê ở xã Yang Mao, huyện Krông Bông) nhập ngũ vào đơn vị 316 Hậu cần Tỉnh đội Đắk Lắk, làm nhiệm vụ vận tải vũ khí, lương thực, hàng hóa. 

Bà H Rít Niê kể lại chuyện tình của bà với ông Hồ Văn Cư.

Cuối năm 1969, trong một lần vận chuyển hàng hóa đến đơn vị Thông tin Tỉnh đội, bà H Rít tình cờ gặp ông Cư. Và rồi trái tim của người con gái đang ở độ tuổi 17 bỗng bồi hồi, xao xuyến khi nghe ông Cư mở lời: “Tôi thương em và muốn lấy em làm vợ”. Sau đó mối tình trong sáng và chân thành đã nảy nở giữa chàng trai người Kinh với cô gái M’nông. Họ cùng hẹn ước ngày đất nước hòa bình mà còn sống sẽ nên duyên chồng vợ...

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, đúng vào dịp Quốc khánh 2/9/1973, bà H Rít Niê và ông Hồ Văn Cư được đơn vị 316 Hậu cần Tỉnh đội Đắk Lắk tổ chức lễ thành hôn.

Đoạn kết viên mãn của mối tình người lính

Dù trải qua nhiều vất vả, hy sinh nhưng câu chuyện tình yêu của ông Đặng Hải Châu (SN 1945) và bà Nguyễn Thị Thu (SN 1953), hiện ở thôn 10, xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) có kết quả viên mãn.

Tháng 11/1964, từ quê hương Kỳ Anh (Hà Tĩnh), ông Châu tình nguyện nhập ngũ vào Nam, chiến đấu ở đơn vị Trinh sát Trung đoàn 95. Từ năm 1969 đến tháng 1/1974, ông Châu có mặt trên hầu hết các chiến trường Mường Phin, Salavan, cao nguyên Bô Lô Ven, Bắc Sòn (Lào)… Tháng 3/1974, đơn vị ông Châu chuyển về Thuần Mẫn (Đắk Lắk). Từ đó cho đến ngày 30/4/1975, ông chiến đấu tại các chiến trường trọng yếu như Buôn Ma Thuột, Bến Cát, Đồng Dù, Củ Chi, ngã tư Bảy Hiền (TP. Hồ Chí Minh)…

Còn bà Nguyễn Thị Thu (quê ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam) sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Năm 1968, khi mới tròn 15 tuổi, bà đã tham gia hoạt động cơ sở bí mật tại H5, H6 (Đắk Lắk)...

Ông Đặng Hải Châu và bà Nguyễn Thị Thu nhớ lại kỷ niệm những ngày ở chiến trường.

Sau khi đánh vào Thuần Mẫn (nay là huyện Ea H’leo), đơn vị ông Châu bắt được 6 tên lính thuộc Trung đoàn 45 ngụy. Ông Châu được phân công dẫn giải giao số tù binh trên về Tỉnh đội Đắk Lắk. Chính trong chuyến công tác đặc biệt này, ông và bà Thu gặp nhau. Như “duyên tiền định”, sau đôi lời tâm sự, hai người đã cảm mến nhau, thầm trao nhau lời hẹn ước khi đất nước thanh bình sẽ về sống chung một nhà…

Trước Chiến dịch Xuân 1975, đơn vị ông Châu nhận lệnh trinh sát nắm tình hình địch ở Tổng kho Mai Hắc Đế (thị xã Buôn Ma Thuột) rồi đến các cứ điểm quan trọng ở Buôn Hồ, Thuần Mẫn… Lúc này bà Thu cũng chuyển về hoạt động ở H5 (nay là Cư M’gar) với những chuyến công tác đi về như “con thoi” từ H6 sang H5 vô vàn hiểm nguy. Trong những ngày tháng ấy, chính tình yêu giản dị, chân thành dành cho nhau đã tiếp thêm nghị lực để hai người ở “hai đầu nỗi nhớ” hăng say công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cuối năm 1976, ông Châu, bà Thu kết hôn. Đến năm 1979, cả hai xuất ngũ, trở về cuộc sống đời thường, khi ấy ông Châu là bệnh binh 2/3, bà Thu là thương binh ¾. Đến nay, gần nửa thế kỷ sống bên nhau, ông bà đã tạo dựng được một gia đình hạnh phúc, viên mãn, con cháu đề huề. Trong đó, người con gái thứ hai của ông bà và cậu cháu nội cũng tiếp bước trở thành người lính Cụ Hồ…

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.