Multimedia Đọc Báo in

Chuyện tình trên đường kháng chiến: Ước hẹn ngày thống nhất

15:45, 28/04/2014
Ngày 30-4-1975 với vợ chồng ông Trần Văn Học và bà Trần Thị Út Hiền (thị trấn Phước An, huyện Krông Pak) thật đặc biệt. Cùng với niềm vui vỡ òa trong ngày thống nhất đất nước, thì lời hẹn ước khi quê hương “sạch bóng quân thù” mới tính chuyện riêng tư đã thành hiện thực.

“Xa quê hương ra đi từ dạo đó

Gác mối tình riêng nhớ vấn vương

Ra đi giữ mãi tình thương

Hẹn ngày thống nhất quê hương đón chờ!”

(Nhật ký chiến trường của Trần Thị Út Hiền)

Ký ức đưa bà Út Hiền trở về buổi chiều ngày 30-4 của 39 năm về trước - ngày Huyện đội Tam Kỳ (Tỉnh đội Quảng Nam) tổ chức Lễ mừng chiến thắng. Cũng như nhiều người con đất Quảng anh dũng, kiên cường Út Hiền thấy rộn ràng niềm vui xen lẫn mong chờ…Cô cởi chiếc xe đạp ra ngoài phố hòa cùng dòng người hân hoan niềm vui thống nhất, miệng khe khẽ hát một đoạn nhạc vui thì bất ngờ thấy một tiểu đoàn bộ đội tiến thẳng về nơi tổ chức Lễ mừng chiến thắng. Út Hiền dừng xe nép sát vệ đường, bất giác một bàn tay của ai đó siết chặt lấy tay cô, miệng dồn dập hỏi:

Vợ chồng ông Học lần giở những kỷ niệm thời tuổi trẻ từ Nhật ký chiến trường.
Vợ chồng ông Học lần giở những kỷ niệm thời tuổi trẻ từ Nhật ký chiến trường.

-Em là Út Hiền? Có khỏe không?

Quá bất ngờ, Út Hiền không thốt nên lời, hai tay buông chiếc xe đạp nằm chỏng chơ bên đường, rồi chỉ kịp đưa mắt nhìn người ấy đang hòa vào đoàn quân chiến thắng. Sau phút lúng túng, Hiền ù té chạy một mạch về cơ quan ở cách đó không xa, kéo chăn trùm kín đầu, hai má nóng ran. Người mình mong chờ, thương thầm, trộm nhớ bấy lâu, giờ đã ở cận kề, biết bao điều cần nói, những dự định ấp ủ sẻ chia nhưng sao khi đối mặt lại không thể mở lời… Suốt đêm hôm ấy, cô không sao chợp mắt được, loay hoay sửa soạn quần áo (con gái đất Quảng lúc đó ăn mặc rất giản dị vì vừa mới trải qua chiến tranh, quần áo đẹp nhất cũng chỉ là quần đen, áo trắng) để mặc trong buổi lễ trọng đại, cô còn chuẩn bị nhiều tình huống khi gặp lại “người ấy” chứ không bỏ chạy như chiều nay.

Sáng 1-5-1975, Út Hiền đến cơ quan sớm hơn mọi ngày, háo hức tham dự Lễ mừng chiến thắng với nhiều cảm xúc khó tả, mắt kiếm tìm một bóng hình thân quen. Buổi lễ diễn ra long trọng với sự tham dự của hàng nghìn người nên Út Hiền không tìm thấy bóng dáng người thương. Mặc cho các đồng nghiệp bình luận về sự kiện đặc biệt này trên đường trở về cơ quan, Út Hiền đeo đuổi ý nghĩ riêng của mình: “Ở nơi nào đó rất gần đây, anh ấy cũng đang kiếm tìm mình!”

Ngược thời gian trở lại trước ngày đất nước thống nhất, tuy chưa thổ lộ hay trao cho nhau bất kỳ kỷ vật hẹn ước nào, nhưng cả Út Hiền và Học đều ngóng trông tin nhau. Sự gan dạ, dũng cảm của anh lính đặc công Đại đội V14, với nhiều chiến công giết giặc, diệt xe cơ giới đã làm cho nữ đồng đội kém hơn mình 5 tuổi vui lây. Bà Út Hiền kể: “Ông ấy im im vậy thôi chứ lì lợm, gan dạ lắm! Năm 1965 được tuyên dương Dũng sĩ diệt Mỹ, năm 1966 Dũng sĩ diệt xe cơ giới. Tuy không trực tiếp chứng kiến, nhưng nghe đồng đội của anh ấy kể lại và tận mắt thấy xác những chiến xe cơ giới bị tiêu diệt, tôi phần nào hiểu được sự nguy hiểm và càng thương anh nhiều hơn!” Còn Học, dẫu đã thương mến nữ đồng đội xinh xắn, lém lỉnh nhưng không dám thổ lộ vì lý do đơn giản “Cô ấy quá trẻ, cuộc đời lại kém may mắn (mồ côi mẹ khi mới mấy tháng tuổi, 2 anh trai lần lượt hy sinh) nếu không may mình lại tử trận thì dang dở tuổi thanh xuân. Thôi thì cứ chờ ngày đất nước thống nhất, nếu có duyên ắt nên chồng vợ”. Ông Học trải lòng: “Tôi không thể nào quên ánh mắt, sự tinh nghịch của Út  Hiền, nhất là tài đối đáp”. Lúc vừa nhập ngũ vào đơn vị, thoáng thấy cô ấy, tôi trêu: Em tên gì? Cô ấy không trả lời ngay mà chỉ vào khóm hoa Huệ (trước khi đi bộ đội Út Hiền có tên là Út Huệ) trước sân trả lời:

- “Anh còn hỏi tên em gì nhỉ?

Em mỉm miệng em chỉ đám cây xanh

Cùng sớm hôm với ngọn gió trong lành

Vươn cành lá một màu đỏ thắm”

(Nhật ký chiến trường của Trần Thị Út Hiền)

Còn khi hỏi quê ở đâu thì cô ấy lại đáp:

- “Anh còn hỏi quê em đâu nữa

Em trả lời ở mãi phương Nam

Ngày hôm nay đất nước được bình yên

Mời anh đến đất Kỳ Sanh quê em đó!”

(Nhật ký chiến trường của Trần Thị Út Hiền)

Năm 1969 bị thương nặng, ông Học phải ra Bắc điều trị ở Bệnh xá Đoàn 581 (Quân khu Hữu Ngạn), sau đó đi học ở Trường Quân chính Quân khu 3. Cũng trong khoảng thời gian ấy Út Hiền - nữ chiến sĩ biệt động thành cũng bị thương được đơn vị cho ra điều trị và an dưỡng tại Bệnh xá Đoàn 583 (cũng thuộc Quân khu Hữu Ngạn). Thời gian này cả hai bặt tin nhau, nhưng mỗi ngày trôi qua, tình cảm càng thêm gắn bó. Khi an dưỡng ở bệnh xá, một người bạn gái mới nói, cách đấy mấy hôm có một anh bộ đội ghé đơn vị và hỏi thăm Út Hiền rất kỹ. Không đợi cô bạn gái kể tiếp, Út Hiền hỏi vội: Bạn có hỏi người đó là ai, quê quán và giờ đang ở đâu? Cô bạn gái đáp gọn: Không! Út Hiền giận bạn và vứt chiếc đùi gà đang ăn dở chạy một mạch về nhà. Út Hiền lờ mờ đoán ra người lính đó là ai. Đó cũng là lần duy nhất trong suốt khoảng thời gian ra Bắc hai người ở gần nhau trong gang tấc nhưng lại không gặp được nhau. Sau buổi nói chuyện hôm ấy, Út Hiền cứ thao thức, mong ngóng tin tức của người thương. Tháng 6-1974 trên đường hành quân vào Nam chuẩn bị cho một cuộc đánh lớn theo phân công của tổ chức, Út Hiền và Học có cơ hội được gặp nhau. Thời gian gặp gỡ chóng vánh nên cả hai vẫn không nói được với nhau những điều cần nói. Út Hiền viết vội vài dòng để gửi đến người thương:

“Anh hy sinh em đau khổ.

Em hy sinh anh cũng đau khổ.

Chờ quê hương dứt trận mưa rào,

Sẽ có ngày đoàn tụ,

Lúc ấy mới tính chuyện tương lai”.

Như lời hẹn ước, 5 tháng sau ngày đất nước thống nhất, Đại úy Trần Văn Học và nữ chiến sĩ biệt động thành Trần Thị Út Hiền nên duyên chồng vợ trước sự chứng kiến của gia đình, đồng đội. Không ít đồng đội biết tin đều bảo: “Hai người  này kín miệng ghê! Yêu nhau hơn chục năm mà đơn vị và đồng đội chẳng biết tí gì”. Cuộc sống của hai vợ chồng người lính êm đềm trôi qua, ba đứa con trai lần lượt ra đời trong niềm hân hoan chào đón của gia đình, dòng họ. Nhưng niềm vui không thật trọn vẹn khi đứa con trai út sinh năm 1993 bị dị tật bởi di chứng của chất độc hóa học. Hằng ngày nhìn đứa con có lớn mà không có khôn, ông bà tự an ủi, chiến tranh đã đi qua, cướp đi sinh mạng của nhiều người, gia đình mình gánh chịu một chút nỗi đau âu cũng là quá may mắn... 

Ở với nhau có 3 mặt con, nhưng ông Học vẫn tận tình chu đáo chăm sóc cho bà Út Hiền như ngày đầu mới cưới. “Cuộc đời bà kém may mắn, thiếu vắng tình thương của mẹ từ nhỏ, tuổi thanh xuân phải dồn nén tình cảm, 2 lần mổ vì bom đạn chiến tranh và 6 lần mổ vì vết thương cũ tái phát nên đáng được bù đắp nhiều hơn!” ông Học chia sẻ.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.