Multimedia Đọc Báo in

Hoa đào xứ Bắc trên đất Tây Nguyên

08:21, 17/12/2023

Hoa đào xứ Bắc “bén duyên” với người nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã vài chục năm nay. Từ vài hộ trồng để chơi Tết, ngày nay các vườn hoa đào ở thị xã Buôn Hồ đã trở thành "thương hiệu" mỗi khi tết đến xuân về.

Nhận thấy điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương phù hợp để hoa đào phát triển và ra hoa đúng dịp Tết cổ truyền, chị Hoàng Thị Duyên (phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ) đã trồng thử nghiệm thành công giống hoa đào Nhật Tân, không những mang lại thu nhập ổn định cho gia đình mà còn góp phần làm cho mùa xuân trên cao nguyên thêm sinh động.

Hơn 12 năm gắn bó với cây đào, chị Duyên đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong quy trình chăm sóc và tạo dáng. Với những thành công nhỏ đầu tiên, chị đã tăng số lượng cây giống qua từng năm. Vụ mùa năm nay, gia đình chị trồng 2.000 cây hoa đào để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. “Để hoa đào phát triển và ra hoa là cả một hành trình gian nan, đòi hỏi người trồng phải nắm vững kỹ thuật, quy trình và phải thật khéo léo trong việc uốn tỉa, tạo dáng, biết tính toán thời tiết để điều chỉnh cây ra nhiều nụ, nở hoa đúng dịp Tết”, chị Duyên chia sẻ.

Chị Hoàng Thị Duyên (phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ) cắt tỉa, chăm sóc hoa đào.

Là một trong những người có nhiều năm kinh nghiệm trồng hoa đào, chị Lã Thị Hồng (chủ vườn hoa đào Nam Hồng, đường tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ) đang có 3.000 gốc đào chuẩn bị tung ra thị trường dịp Tết. Theo chị Hồng, quá trình phát triển của cây đào chỉ trong một năm, tính từ khi trồng cây đào con, chăm sóc đến khi ra hoa vào mùa xuân. Mỗi cây đào có giá bán dao động từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng. Bên cạnh việc bán hoa đào, chị còn nhận chăm sóc đào cho các cơ quan, gia đình sau mỗi mùa Tết.

Còn gần hai tháng nữa mới đến Tết nhưng lượng khách khắp nơi đã bắt đầu đổ về vườn đào của gia đình chị Hồng để đặt mua. Nhiều gốc đào có dáng đẹp đã có người chọn và ngã giá. Thế nhưng, chị Hồng chưa đồng ý chốt cọc hoa đào với bất kỳ thương lái nào, bởi thời điểm hiện tại cây đào vẫn đang trong quá trình sinh trưởng và phát triển. “Nhiều năm nay, lượng khách đã dần ổn định, “tiếng lành đồn xa” nên nhiều người đến mua, khách hàng không chỉ trên địa bàn tỉnh mà còn rải rác ở nhiều tỉnh thành khác. Không chỉ để phục vụ thị trường hoa tết mà những ngày cận Tết, khu vườn của gia đình cũng thu hút rất nhiều du khách, người địa phương ghé vào chụp ảnh, tham quan và ngắm đào”, chị Hồng vui vẻ nói.

Đến thời điểm hiện tại, các nhà vườn trên địa bàn thị xã Buôn Hồ đang khẩn trương khoanh vỏ cây, tính toán kỹ càng để bước vào vụ tuốt lá, chuẩn bị cho công đoạn nuôi mắt, cho đào ra nụ. Đây được xem là khâu rất quan trọng, quyết định sự thành bại của cả vụ hoa đào. Với người trồng đào, để có một vụ mùa thành công, ngoài kinh nghiệm thì yếu tố thời tiết rất quan trọng, năm nào thời tiết nóng thì tuốt lá muộn hơn vài ngày, ngược lại thời tiết rét nhiều thì cần tuốt lá sớm hơn.

Phát triển nghề trồng hoa đào ở thị xã Buôn Hồ đã tận dụng được lợi thế, tiềm năng về thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương gắn với phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, là một hướng đi giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập, tăng hiệu quả về kinh tế. Từ một vài hộ ban đầu, đến nay thị xã Buôn Hồ đã có 36 hộ trồng hoa đào, với tổng diện tích 16,7 ha. Các giống hoa đào được người dân trồng chủ yếu là đào Nhật Tân, đào bích, đào phai và đào tuyết. Trên cơ sở đó, ba phường (Thống Nhất, Thiện An và Đoàn Kết) có đông hộ dân trồng hoa đào đã liên kết thành lập Hợp tác xã (HTX) Thương mại và Dịch vụ Hoa Đào Đoàn Kết - Buôn Hồ.

Nông dân trên địa bàn thị xã Buôn Hồ tiến hành khoanh vỏ cây đào để chuẩn bị cho công đoạn tuốt lá

Mặc dù mới thành lập từ tháng 4/2023, nhưng HTX luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, khuyến khích, tạo mọi điều kiện để các hộ nông dân trồng đào có cơ hội trao đổi, học tập khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất ở nhiều nơi, nhất là những nhà vườn chuyên trồng hoa đào ở các tỉnh phía Bắc, hay ở làng Nhật Tân (TP. Hà Nội) để về áp dụng cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương. Hiện nay, HTX đã hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) Đắk Lắk năm 2023, với tên sản phẩm “Cây hoa đào Buôn Hồ”.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc HTX Thương mại và Dịch vụ Hoa Đào Đoàn Kết - Buôn Hồ cho biết, việc xây dựng và phát triển sản phẩm tham gia Chương trình OCOP dựa trên lợi thế địa phương sẵn có đang là một trong những xu thế hiện nay. Qua đó, vừa giải quyết được bài toán đầu ra cho sản phẩm nông sản, vừa nâng cao giá trị gia tăng và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên.

Thúy Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.