Multimedia Đọc Báo in

Mở hướng nâng cao chất lượng đời sống của phụ nữ vùng dân tộc thiểu số

09:53, 17/12/2023

Với nhiều mô hình và cách làm hay, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn thị xã Buôn Hồ đang được giúp sức, từng bước nâng cao cuộc sống cả về vật chất và tinh thần.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của phụ nữ

Để thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ DTTS nghèo, thời gian qua, Hội LHPN thị xã Buôn Hồ đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, giúp hội viên phụ nữ mạnh dạn phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo; đặc biệt, thay đổi tư duy về phát triển kinh tế, từng bước nâng cao cuộc sống.

Gia đình chị H Mare Niê (buôn H’Né, xã Ea Drông) thuộc diện hộ cận nghèo, cuộc sống gặp nhiều khó khăn; bản thân hay đau ốm nên kinh tế gia đình luôn trong cảnh chật vật. Sau khi được hỗ trợ kỹ thuật sản xuất và con giống từ chương trình hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, chị đã mạnh dạn cải tạo lại 2 sào đất cằn cỗi và đầu tư phân bón, trồng xen thêm cây ăn quả để phát triển kinh tế. Đến nay, cùng với việc sản xuất, chị cũng chăm sóc đàn dê sinh sản tốt nên cuộc sống gia đình đã dần cải thiện.

Cán bộ Hội LHPN thị xã tuyên truyền bình đẳng giới tại xã Ea Drông.

Với gia đình chị H Ri Niê (buôn Krum A, xã Cư Bao) sau khi được chính quyền địa phương và cán bộ Hội LHPN xã tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm nhằm phát triển kinh tế, chị đã mạnh dạn vay 70 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua 2 con bò, làm chuồng trại và mua cây giống phát triển sản xuất. Chị H Ri chia sẻ, nhiều năm trước, cuộc sống bản thân chỉ quanh quẩn trong nhà chăm sóc con cái và làm thuê qua ngày để kiếm thêm cái ăn. Khi được hỗ trợ vay vốn, chị vừa có việc làm ổn định, vừa có thể chăm con. Mặt khác, từ việc chăn nuôi, chị biết tận dụng chất thải để làm phân bón cho cây trồng. Chính nhờ việc thay đổi suy nghĩ, chuyển đổi việc làm nên kinh tế gia đình đã được cải thiện, cuộc sống dần ổn định hơn.

Bảo vệ quyền, lợi ích cho phụ nữ và trẻ em

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025” theo Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2023 Hội LHPN thị xã đã thành lập 3 tổ truyền thông cộng đồng, 3 Địa chỉ an toàn tại thôn 2A (xã Ea Siên), buôn Ea Kjoh A và thôn 8 (xã Ea Drông), thành lập 2 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại Trường THCS Chu Văn An (xã Ea Siên) và Trường THCS Tô Vĩnh Diện (xã Ea Drông) với 37 thành viên là các em học sinh lớp 7, 8, 9.

Đại diện Hội LHPN thị xã Buôn Hồ tặng loa kéo phục vụ công tác tuyên truyền cho Tổ truyền thông cộng đồng xã Ea Siên.

Hội LHPN thị xã đã tổ chức tuyên truyền kiến thức bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới, kỹ năng vận hành hoạt động tổ truyền thông cộng đồng, Địa chỉ an toàn tại cộng đồng, vận hành hoạt động Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" cho các cán bộ, già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng và giáo viên, học sinh của hai xã Ea Drông và xã Ea Siên. Bên cạnh đó, phối hợp Trung tâm Y tế thị xã xây dựng Kế hoạch và tổ chức truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các thôn, buôn khó khăn của xã Ea Siên và Ea Đrông.

Bà H’Moan Mlô, Phó Chủ tịch Hội LHPN thị xã cho biết: “Thông qua công tác tuyên truyền, vận động đã nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư trong việc thay đổi thói quen, định kiến; người đàn ông đã biết chăm lo gia đình, phụ vợ làm việc nhà, chăm sóc con cái; đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ và trẻ em gái được quan tâm, góp phần thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới. Hơn thế nữa, nhiều phụ nữ, trẻ em đã được bảo vệ, chăm sóc, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của mình”.

Có thể nói, Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025” trên địa bàn thị xã được triển khai tích cực, chủ động, đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc thay đổi hành vi, thay đổi cách nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng cho phụ nữ vùng DTTS đặc biệt khó khăn, từ đó lan rộng trong cộng đồng. Mặc khác, việc triển khai Đề án đã tạo sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với vấn đề bình đẳng giới, từ đó có những cơ chế, chính sách giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; huy động sự tham gia cũng như khẳng định vị thế của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.