Sức sống mới trên cung đường Trường Sơn Đông
Giữa đại ngàn bao la, cung đường Trường Sơn Đông qua địa phận huyện M’Drắk như một “dải lụa” vắt qua những sườn núi dốc cao, làm bừng lên sức sống mới cho những buôn làng nơi miền thảo nguyên đầy nắng gió.
Dọc con đường Đông Trường Sơn, dưới bóng đại ngàn hiền hòa và khoáng đạt, vương theo câu hát “nơi đây thảo nguyên, từng đàn bò đua nắng tung tăng dưới ánh mặt trời…” của nhạc sĩ Nguyễn Cường, chúng tôi tìm về M’Drắk.
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là buôn Pa (xã Cư Prao, huyện M’Drắk, từng là khu căn cứ địa cách mạng. Trong ngôi nhà sàn nhỏ đã nhuốm màu thời gian, chúng tôi gặp già Y Lêo Mlô, người từng tham gia du kích cùng với buôn làng đã làm nên nhiều kỳ tích trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với sự kiên trung và lòng dũng cảm, già được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhì, đây cũng là niềm vinh dự tự hào, tiếp thêm động lực cho bà con người Êđê nơi miền sơn cước này.
Già Y Lêo Mlô đã qua 70 mùa rẫy. Trong ký ức chưa phai của già, buôn Pa trên bản đồ địa lý và bằng trực quan, là vùng đất tựa như ốc đảo, được bao bọc bởi núi rừng và hồ thủy điện Krông H’Năng. Buôn Pa với địa thế hiểm nên trở thành vùng căn cứ cách mạng. Ngày ấy, cả buôn Pa chỉ có vài nóc nhà, nơi đây hoang vu lắm. Cuộc sống vô cùng cực khổ, gạo không có, muối cũng không có, chỉ ăn lá rừng, củ mài nhưng bà con vẫn bảo nhau một lòng theo cách mạng, sẵn sàng tham gia du kích, bảo đảm an toàn cho cán bộ cấp trên. Mùa mưa của những năm ấy, buôn Pa trở thành “ốc đảo”, cô lập giữa rừng và suối sâu.
Già Y Lêo Mlô (bên trái) ôn lại kỷ niệm của buôn Pa những ngày đã qua. |
Kể từ khi tuyến đường Trường Sơn Đông qua huyện M’Drắk cùng với nhiều dự án mở đường của Nhà nước hoàn thành, buôn Pa đã khoác một chiếc áo mới. Những con đường bê tông mới, bằng phẳng uốn lượn theo cánh rừng già. Sức sống mới đã ùa về buôn làng nơi đây. Bà con tự hào về sự đổi thay trên vùng quê cách mạng. Đường mới, trường lớp mới, điện sáng trong những nếp nhà, những đứa trẻ chẳng còn lo không biết chữ, nhiều con em đã học thành tài về phục vụ lại quê hương; lúa, ngô, sắn đã có người đến mua. Không giấu được niềm vui, già Y Lêo Mlô nói: “Có đường nhựa, cả buôn làng đều vui. Con cháu được ra huyện đi học, lúa ngô bán cũng được giá hơn. Già vui lắm!”.
Ngược đường Trường Sơn Đông giữa núi đồi xếp lớp, bồng bềnh trong sương chiều, huyền thoại M’Drắk trải rộng như vô cùng dẫn chúng tôi tìm đến xã Krông Jin. Xe chúng tôi bon bon trên đường Trường Sơn Đông, cảm nhận được sự náo nhiệt của xe cộ qua lại, thoáng trên đồng cỏ những đàn bò thong dong, những chàng trai cô gái da nâu mắt sáng hăng say trên những cánh đồng mía bạt ngàn, tạo nên giai điệu tươi vui của vùng quê vốn trầm mặc này. Hai bên đường, xen lẫn những ngôi nhà được xây mới kiên cố, khang trang vẫn hiện hữu những nếp nhà sàn.
Con đường Trường Sơn Đông uốn lượn quanh những thảo nguyên xanh |
Xã Krông Jing có hơn 90% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là người Êđê, nhiều thôn, buôn có điều kiện kinh tế còn gặp khó khăn. Sau khi tuyến đường Trường Sơn Đông được đầu tư qua địa bàn, bộ mặt buôn làng ngày càng khang trang. Chị H’Ten Byă (ở buôn M’Trưng M’Um) nhớ lại, 10 năm trước đây vẫn là con đường đất, mỗi khi nắng thì bụi, mưa thì lầy khiến việc đi lại của người dân trong buôn gặp muôn vàn khó khăn. Từ khi được Nhà nước đầu tư đường bê tông, việc đi của bà con rất thuận lợi, thoải mái. Bây giờ mọi thứ đã phát triển hơn, hiện đại hơn rồi.
Trong nếp nhà dài truyền thống người Êđê, điệu múa xoang vẫn nhịp nhàng, tiếng cồng chiêng vẫn ngân vang trong những buổi lễ mừng nhà mới, lễ cúng bến nước… Chiều về, tiếng khung cửi lạch cạch lại vang lên, trong điệu múa xoang của những cô gái trẻ, hương men rượu cần nồng nàn vương vít bước chân chúng tôi theo những câu chuyện vui của mọi người về con đường mới, cuộc sống mới…
Thúy An
Ý kiến bạn đọc