Multimedia Đọc Báo in

Trên đường Trường Sơn Đông…

06:27, 05/02/2016

Đã đi vào huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giành độc lập của dân tộc, ngày nay đường Trường Sơn Đông đang dần nối liền giữa các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giúp nhân dân có điều kiện phát triển kinh tế... 

Xã Ea Lai (huyện M’Đrắk) vào những ngày giáp Tết, những tiệm tạp hóa vừa mới được khai trương, từng điểm thu mua tiêu, cà phê luôn tấp nập người bán để chuẩn bị sắm Tết… 

Quê ở Hà Tĩnh, đi kinh tế mới và gắn bó với xã Ea Lai từ năm 1988, Chủ tịch UBND xã Ea Lai Võ Đức Nhân cho biết, Ea Lai cách thị trấn M’Đrắk chưa đầy 10 km nhưng trước đây việc đi lại vô cùng khó khăn, đường gập ghềnh, đầy ổ voi ổ gà; mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì bụi. Toàn xã có 703 hộ với hơn 3000 khẩu phân bổ ở 12 thôn, buôn trong đó có 1 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Người dân chủ yếu làm nông nghiệp như trồng lúa nước, sắn, cà phê, tiêu… nhưng việc giao thương, vận chuyển hàng hóa không thuận lợi nên đời sống của bà con cũng khó khăn. Đường Trường Sơn Đông đoạn qua xã Ea Lai được triển khai từ năm 2009 đến năm 2014. Chỉ trong vòng một năm sau khi tuyến đường qua xã hoàn thành, việc thông thương đã có nhiều khởi sắc, đầu tiên là các tuyến xe khách, xe vận chuyển hàng hóa, như: Bắc - Nam, Sông Hinh - M’Đrắk, và Đắk Lắk - Khánh Hòa… Ông Nhân hào hứng: “Khi chưa có tuyến đường này đi qua, trong xã chỉ có mấy quán bán đồ khô. Từ khi thông tuyến đường này, dịch vụ trong xã đã có sự chuyển mình. Dọc theo tuyến đường qua xã đã xuất hiện thêm 4 tiệm sắt, 4 cửa hàng tạp hóa, 3 điểm thu mua tiêu, cà phê…”. Anh Nguyễn Quang Thế, thôn 3, xã Ea Lai cho hay: “Trước đây do đường đi lại khó khăn nên nông sản bà con làm ra thường bị thương lái ép giá. Từ khi đường Trường Sơn Đông qua xã được hoàn thành, nông sản có thể dễ dàng vận chuyển nên bán được giá hơn”. Theo ông Nguyễn Huy Hiếu, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ea Lai, khi có tuyến đường Trường Sơn Đông, Ea Lai đã có những bước chuyển mình vươn lên, hiện thu nhập bình quân đầu người của xã là hơn 28 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp chiếm 84,5% và dịch vụ chiếm 15,5%. Giao thông thuận lợi giúp các em học sinh trong độ tuổi đi học đến trường đạt trên 100% ở 3 cấp học. Cuối 2011, tổng số hộ nghèo chiếm 18,9% đến nay chỉ còn 5,83%. 

Đường Trường Sơn Đông đoạn qua xã Ea Lai đã hoàn thành.
Đường Trường Sơn Đông đoạn qua xã Ea Lai đã hoàn thành.

Còn tại xã Yang Mao, huyện Krông Bông, bà con cũng không giấu được niềm vui khi con đường Trường Sơn Đông đoạn đi qua địa bàn xã đã hoàn thành. Già làng buôn Tul, Y Rít M’lô năm nay đã 75 tuổi xúc động nói: “Già sinh sống, theo kháng chiến giành độc lập cũng đã gần một đời người. Con đường Trường Sơn Đông năm xưa già cùng cán bộ đi kháng chiến đã ghi bao chiến công, cũng như hồi ức và kỷ niệm không thể nào quên. Những năm trước đây, đường xuống cấp, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con rất khó khăn, nhưng giờ đường đã hoàn thành, mang lại nhiều niềm vui cho đồng bào”. 

Ông Y Drai Mdrang, Chủ tịch UBND xã Yang Mao thì cho biết, xã cách trung tâm huyện Krông Bông hơn 40 km giao thông đi lại khó khăn nên nhiều năm qua, giá nông sản bà con thường chỉ bán bằng 2/3 giá thị trường; ngược lại các hàng hóa thiết yếu cũng do chi phí vận chuyển nên khi tới tay người dân lại đội giá lên. Việc đường Trường Sơn Đông đoạn qua khu dân cư hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi giao thương hàng hóa của người dân. Giá cả các mặt hàng vận chuyển về địa phương đã giảm hơn so với trước đây, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương… 

Hiện tại đường Trường Sơn Đông đoạn qua địa phận tỉnh Đắk Lắk cơ bản đã hoàn thành, chỉ còn gói thầu D38, từ km 590 đến 601 do Tổng công ty 789 và Công ty TNHH MTV Xây dựng 470 (Bộ Quốc phòng). Những ngày này, nhằm bảo đảm tiến độ nên các đơn vị đã huy động hàng trăm lượt cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động và các đầu máy thiết bị để tổ chức thi công. Đại úy Lê Văn Hải, Đội trưởng Đội 7, Công ty TNHH MTV Xây dựng 470 cho biết, việc thi công gói cầu và đường D38 tại xã Yang Mao (Krông Bông) là một trong phần việc khó nhất do địa hình phức tạp và thời tiết khắc nghiệt. Đại úy Hải cho biết: “Gói thầu D38 giai đoạn 2 được khởi công từ tháng 6-2015 và dự kiến hoàn thành vào tháng 9-2016. Tuy nhiên do xã Yang Mao nằm ở vùng giao giữa khí hậu Tây Nguyên và Nam Trung bộ, vì thế mùa mưa thường kéo dài hơn nên việc thi công gặp khó khăn. Thêm nữa đây lại là vùng có địa chất chủ yếu là đất pha cát, nền đất yếu; địa hình đi theo sườn đồi, đường chữ L, hiểm trở, ngang qua nhiều khe suối, trong đó có đoạn ngang qua Vườn Quốc gia Chư Yang Sin. Bên cạnh đó, do vị trí thi công nằm ở vùng sâu vùng xa, giao thông đi lại không thuận tiện nên việc bảo đảm nhu yếu phẩm cho sinh hoạt hằng ngày của người lao động, cung cấp nhiên liệu cho máy móc rất khó khăn…”. Thượng tá Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng 470 tâm sự: “Trước những khó khăn, thiếu thốn, nhất là những đòi hỏi gắt gao về tiến độ thi công nên ngay khi kết thúc mùa mưa, Công ty đã huy động tối đa nhân lực nhằm bảo đảm việc thi công con đường Trường Sơn Đông đạt và vượt tiến độ, dự kiến tuyến đường sẽ hoàn thành vào tháng 7-2016”… 

Đường Trường Sơn Đông dài gần 700 km, điểm đầu nối với đường Hồ Chí Minh tại Thạnh Mỹ (Quảng Nam), điểm cuối là Cầu Suối Vàng (Đà Lạt, Lâm Đồng), khi hoàn thành là trục giữa xuyên dọc suốt 7 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk và Lâm Đồng.

 

Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.