Multimedia Đọc Báo in

Tin đồn thất thiệt - người dân đổ xô đi đổi giấy phép lái xe

08:42, 24/12/2023

Lo ngại không đổi giấy phép lái xe (GPLX) hạng A1 trước ngày 31/12/2023 sẽ phải sát hạch lại và bị xử phạt khi tham gia giao thông nên nhiều người dân kéo nhau đi đổi dẫn tới tình trạng quá tải tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh (gọi tắt là Trung tâm) trong những ngày qua.

Hồ sơ cấp đổi GPLX hạng A1 tăng đột biến

Ghi nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh vào sáng 15/12, mặc dù là ngày làm việc cuối tuần (thứ Sáu) nhưng số lượng người dân đến đổi GPLX rất đông. Đáng nói, trong số đó có khá nhiều người đến đổi GPLX do nghe thông tin đến hết ngày 31/12/2023 GPLX hạng A1 bằng giấy không đổi sang dạng thẻ PET (thẻ nhựa) thì không sử dụng được hoặc phải sát hạch lại.

Nếu như những ngày đầu tháng 11/2023, mỗi ngày Trung tâm chỉ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ làm thủ cấp đổi từ 30 - 50 bằng lái hạng A1 thì từ đầu tháng 12 đến nay số lượng người dân đến đổi GPLX hạng này tăng lên gấp 2, thậm chí gấp 3 lần so với tháng trước. Đơn cử như ngày 5/12 Trung tâm tiếp nhận và giải quyết 132 hồ sơ cấp đổi GPLX hạng A1, ngày 11/12 giải quyết 131 hồ sơ; trong khi trước đó ngày 9/11 chỉ tiếp nhận và giải quyết 33 hồ sơ thực hiện thủ tục cấp đổi GPLX hạng A1.

Rất đông người dân ghi tờ khai cấp đổi giấy phép lái xe tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Sáng 15/12, chị Dương Thị Nga, trú xã Cuôr Knia (huyện Buôn Đôn) sắp xếp công việc lên Trung tâm để làm thủ tục cấp đổi sang dạng thẻ PET. Chị Nga chia sẻ, GPLX hạng A1 của chị được Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Nông cấp vào ngày 10/5/2010, trên giấy có ghi rõ giá trị “không thời hạn”. Song thời gian gần đây chị nghe nhiều người truyền tai nhau nếu không đi đổi sang thẻ nhựa, quá trình tham gia giao thông khi Cảnh sát giao thông kiểm tra sẽ bị phạt tiền. Do đó, chị tranh thủ lên Trung tâm để làm thủ tục cấp đổi từ bằng giấy sang thẻ nhựa.

Tương tự, anh Lê Văn Hoạt trú tại xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) cũng vừa đến Trung tâm để đổi GPLX hạng A1. Cũng do nghe tin đồn trước ngày 31/12/2023 tất cả những người có GPLX hạng A1 phải đổi sang dạng thẻ nhựa nên anh đã đi làm thủ tục đổi bằng, tránh cuối tháng đông người lại phải chờ đợi lâu.

Chỉ khuyến khích, chưa bắt buộc

Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, GPLX được phân chia thành 11 hạng. Trong số này, 3 hạng GPLX không có thời hạn gồm A1 (lái xe mô tô hai bánh dung tích xilanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3), A2 (lái xe mô tô hai bánh dung tích xilanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho GPLX hạng A1) và A3 (lái mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho GPLX hạng A1 và các xe tương tự). Theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, cả nước hiện có hơn 20 triệu GPLX bằng giấy bìa được cấp từ năm 1995 đến tháng 7/2013 không thể tích hợp ứng dụng VNeID, do các giấy phép này chỉ hiển thị tên, năm sinh của người dân, không có ngày, tháng sinh nên không đồng bộ dữ liệu cư dân quốc gia. Vì vậy, Cục Đường bộ Việt Nam khuyến khích người dân đổi GPLX từ giấy bìa sang vật liệu PET. Tuy nhiên, Cục Đường bộ Việt Nam cũng lưu ý việc đổi GPLX sang thẻ PET là khuyến khích, không bắt buộc.

Cán bộ Sở Giao thông vận tải giải quyết hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe cho người dân.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hoàng Thị Tâm cho biết, hiện nay theo quy định thì chỉ những GPLX hết hạn sử dụng, bị hư hỏng, bị mờ thông tin thì mới cần phải đổi, không có quy định nào cho rằng GPLX mô tô hạng A1 không thời hạn phải đổi trước ngày 31/12/2023.

Tuy nhiên, nếu người dân có nhu cầu đổi từ GPLX bằng giấy sang GPLX dạng thẻ PET thì Trung tâm vẫn sắp xếp hai cán bộ thường trực giải quyết thủ tục trong ngày cho công dân.

Trường hợp khi số lượng người dân đến làm thủ tục cấp đổi GPLX tăng đột biến sẽ tăng cường thêm hai cán bộ, bảo đảm người dân không phải đi lại nhiều lần (khi hồ sơ hợp lệ). Đối với những bằng lái không ghi ngày, tháng sinh thì Trung tâm cũng khuyến khích người dân đổi để dễ dàng tích hợp ứng dụng VNeID.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.