Multimedia Đọc Báo in

Lo Tết cho người lao động: Tâm tư và trách nhiệm

16:37, 08/01/2024

Những ngày cuối năm, nhiều doanh nghiệp (DN) đang nỗ lực hoàn tất đơn hàng, nhưng cũng có không ít đơn vị đang phải “chạy đôn chạy đáo” tìm kiếm đơn hàng để duy trì hoạt động. Nhưng có một “điểm chung” của nhiều DN là họ đang đau đáu chuyện lo Tết cho người lao động.

Năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế chịu "tác động kép" từ các yếu tố bất lợi bên ngoài (nhất là thị trường xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng, đầu tư, tiền tệ, tài chính…) và những hạn chế, tồn tại kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn trong khó khăn, cộng đồng DN của tỉnh đang chịu những sức ép rất lớn, kéo theo đó là đời sống của người lao động cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Trên địa bàn tỉnh mặc dù chưa xảy ra “làn sóng sa thải”, “nghỉ tết sớm” vì không có đơn hàng, nhưng đâu đó vẫn có tình trạng người lao động phải chuyển đổi công việc để bảo đảm cuộc sống.

 Lãnh đạo Liên Đoàn Lao động tỉnh Đắk Lắk tặng quà Tết công nhân lao động.  (Ảnh minh họa)
Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Lắk tặng quà Tết Nguyên đán Quý Mão 202 cho đoàn viên công đoàn, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh minh họa: X. Lin)

Nền kinh tế nói chung khó khăn buộc DN phải thực hiện tái cơ cấu. Trong đó, việc cắt giảm nhân sự thường là phương án đầu tiên người ta thường hay tính đến. Tuy nhiên, đây cũng là phương án khiến những người đứng đầu DN suy tư nhất, bởi ai cũng biết sau lưng những người lao động là cuộc sống cả gia đình của họ. Hơn nữa, sự tồn tại, phát triển của DN có phần đóng góp không nhỏ của người lao động. Nhiều đơn vị thậm chí còn xây dựng được văn hóa DN tốt đẹp mà ở đó, tất cả từ chủ DN đến người lao động xem nhau như “người một nhà” nên việc cắt giảm nhân sự đối với người đứng đầu DN là việc rất “đau lòng”. 

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, duy trì hoạt động của DN, tạo việc làm ổn định cho người lao động đã khó nói gì đến chuyện thưởng Tết cho công nhân. Ấy thế mà với nỗ lực, trách nhiệm của mình, nhiều DN vẫn “bóp” chỗ này, “thắt” chỗ kia nhằm có một khoản nhất định để lo Tết cho người lao động. Theo thông tin từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, trong số 500 DN trên địa bàn tỉnh được tiến hành khảo sát, kết quả có 106 DN gửi báo cáo về tình hình lao động, tiền lương, tiền thưởng, nợ lương. Riêng về thưởng tết Nguyên đán Giáp Thìn, có 77/106 DN dự kiến thưởng cho 13.496 người lao động, với mức thưởng bình quân 5,49 triệu đồng/người, cao nhất là 70 triệu đồng/người, thấp nhất là 100.000 đồng/người.

Đó là nỗ lực rất lớn của cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh, nó thể hiện rõ cả tâm tư lẫn trách nhiệm của DN đối với người lao động. Bởi qua trò chuyện với lãnh đạo một số DN cho thấy, trong muôn vàn nỗi lo dịp cuối năm, câu chuyện lo Tết cho người lao động luôn khiến họ phải băn khoăn hơn cả. Mặc dù hằng năm, ngay trong kế hoạch từ đầu năm, nhiều DN đã tính đến khoản này, nhưng năm nay quả thực là thách thức không nhỏ đối với nhiều DN. Thế nhưng với phương châm “Tất cả người lao động đều có Tết”, dù ít hay nhiều, họ cũng cố gắng có những hoạt động thiết thực, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người lao động phù hợp với điều kiện tại DN mình. Đó cũng là nguồn động viên rất lớn đối với người lao động để giúp họ vượt qua khó khăn, gắn bó hơn với DN.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.