Nông dân tất bật chuẩn bị nông sản phục vụ Tết
Thời điểm này, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đang hối hả chuẩn bị các mặt hàng nông sản đưa ra thị trường phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Gia đình bà Ngọc Thị Chính (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) đang tích cực chăm sóc hơn 1 sào rau phục vụ thị trường Tết. Rau vụ Tết được gia đình bà xuống giống từ đầu tháng 10 âm lịch, với đa dạng các loại rau như: bí đao, rau cải các loại, su hào, xà lách, rau gia vị…
Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề trồng rau, biết áp dụng các biện pháp kỹ thuật, chăm bón xử lý mầm bệnh ngay từ khâu làm đất, cùng với sự chăm chỉ, cần mẫn trong các khâu chăm sóc nên vườn rau của gia đình bà lúc nào cũng tươi tốt, xanh mướt. Nhằm đảm bảo nguồn rau sạch, an toàn, gia đình bà chỉ sử dụng phân bón sinh học để chăm sóc cây.
“Năm nay thời tiết khá thuận lợi, rau sinh trưởng tốt. Vào dịp Tết, nhu cầu tiêu dùng rau của người dân rất lớn, sức tiêu thụ tăng, giá cả cũng cao hơn nên bà con nông dân ai cũng trông chờ vào vụ rau này”, bà Chính chia sẻ.
Vào dịp Tết, nhu cầu tiêu thụ rau tăng cao nên bà Ngọc Thị Chính (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) trồng nhiều rau hơn. |
Cùng với rau xanh, các hộ dân trồng chuối trên địa bàn tỉnh cũng đang hối hả chuẩn bị cho vụ chuối cuối năm. Bà Mai Thị Nại (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) cho hay, nhận thấy nhu cầu của người dân sử dụng chuối vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm rất cao nên từ cuối năm 2021, gia đình bà đã chuyển 6 sào đất trồng màu sang trồng chuối tiêu hồng.
Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn chuối của gia đình phát triển tốt và cho thu hoạch vào thời điểm cuối năm. Hiện nay, gia đình đang có vài chục buồng chuối phục vụ nhu cầu dịp Tết. Những buồng chuối được thu hoạch đúng dịp Tết phải được chăm sóc rất cẩn thận, quả phải xanh, nải chuối đều, khum tròn đẹp mắt mới bán được giá cao. Để chăm được những buồng chuối có nải như vậy cần có kỹ thuật chăm sóc cầu kỳ, cây chuối phải được cung cấp đủ nước và chất dinh dưỡng. Hiện nay, số lượng chuối của gia đình đã được thương lái các nơi đặt mua hơn một nửa, số còn lại thì các tiểu thương tại chợ cũng đã đặt mua.
“Trung bình giá mỗi buồng chuối sẽ dao động từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng, nếu bán đúng dịp Tết có thể giá sẽ cao hơn. Nhờ đó, gia đình tôi có thêm thu nhập để sắm sửa Tết sung túc hơn”, bà Nại bộc bạch.
Bà Mai Thị Nại (xã Phú Xuân, Huyện Krông Năng) chăm sóc chuối phục vụ thị trường Tết |
Nắm bắt được nhu cầu của người dân vào mỗi dịp Tết đến, xuân về, chị Nguyễn Thị Bích (thôn 9, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng), chủ nhân của gần 1 sào mía cho biết, gia đình chị trồng hai loại mía là mía dùng để ép nước giải khát phục vụ khách quanh năm và mía đỏ để bán vào các dịp lễ, Tết. Mía đỏ thường được nhiều người lựa chọn để thờ cúng và trang trí trong nhà vào dịp Tết với quan niệm sẽ mang lại ấm no, hạnh phúc và tràn đầy may mắn cho năm mới vì có vị ngọt đậm, ăn mềm hơn các giống mía khác và màu đỏ tím rất bắt mắt. Gia đình chị Bích trồng mía quanh khu vực nhà, thuận tiện cho việc chăm sóc nên cây mía to, lóng dài, chắc. "Mỗi cây mía đỏ bán trong dịp Tết có thể lên đến 15 - 20 nghìn đồng, cao hơn các loại mía thông thường, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình tôi. So với các loại cây ăn quả thì cây mía có hiệu quả hơn, không tốn công chăm sóc, có thể lưu gốc 3 - 4 năm nên phù hợp với thực tế lao động của gia đình. Không những thế, mía đỏ là nông sản có quy trình trồng sạch, có thời gian bảo quản lâu hơn các hoa quả khác nên càng được nhiều người tìm mua", chị Bích nói.
Nhờ sự chủ động của người dân nên tình hình sản xuất nông sản để cung ứng vào dịp Tết trên địa bàn tỉnh đang diễn ra khá thuận lợi, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.
Ngọc Thùy
Ý kiến bạn đọc