Multimedia Đọc Báo in

Phát triển nuôi dê luân chuyển với… 2.000 đồng!

08:26, 25/01/2024

Từ đóng góp 2.000 đồng/năm/hội viên, Hội LHPN xã Tân Tiến (huyện Krông Pắc) đã xây dựng các mô hình chăn nuôi dê sinh sản, góp phần thay đổi tư duy, tạo động lực cho các gia đình phát triển kinh tế.

Thành lập từ năm 2021, cả bốn thành viên của tổ nuôi dê sinh sản thôn 4 đều duy trì phát triển tốt đàn dê, mang lại nguồn thu nhập tăng thêm đều đặn cho gia đình. Chị Khuất Thị Nga, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn 4 cho biết, khi thành lập tổ nuôi dê luân chuyển, chị đã có kinh nghiệm nuôi dê nhiều năm nhưng thiếu vốn để mở rộng sản xuất. Sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê, chị xung phong nhận hỗ trợ đầu tiên từ quỹ “Nhiều người giúp một người” với quyết tâm phải chăn nuôi hiệu quả để chị em học tập. Với số tiền hỗ trợ 5 triệu đồng, chị đã mua thêm 1 cặp dê giống, sửa chữa chuồng trại để tăng đàn. Ngoài chặt lá cây, chị trồng thêm cỏ voi và mua thêm cám, bắp, đảm bảo nguồn thức ăn dồi dào, phù hợp với đàn dê.

Nhờ tập trung phát triển chăn nuôi, đàn dê mang lại cho chị thu nhập thêm khoảng 20 triệu đồng/năm. Chị Nga chia sẻ, mô hình chăn nuôi dê rất phù hợp với nhiều gia đình hội viên phụ nữ xã Tân Tiến do vốn đầu tư ít, lại tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có. Với đặc tính sinh sản nhanh, ít bệnh, đàn dê cũng giúp duy trì nguồn thu nhập đều đặn cho chị em.

Hiện, chị Nga đang duy trì đàn dê 20 con và phát triển thêm chăn nuôi bò. Chị cũng tích cực truyền đạt kinh nghiệm với các chị em trong tổ, động viên chị em chăn nuôi đúng kỹ thuật, tăng đàn hợp lý. Chỉ sau một năm nhận vốn, chị cũng đã trao lại khoản tiền 5 triệu đồng này cho một hội viên phụ nữ khác trong chi hội phát triển mô hình nuôi dê sinh sản, nâng số thành viên của tổ lên năm thành viên.

Chị H’Niêt Niê (bên trái) phát triển nuôi dê từ hỗ trợ của Hội LHPN xã Tân Tiến.

Từ mô hình nuôi dê luân chuyển tại thôn 4, Hội LHPN xã Tân Tiến đã tích cực vận động hội viên ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, phát triển kinh tế. Đến nay, Hội LHPN xã đã phát triển được hai tổ nuôi dê sinh sản tại buôn Kplang và buôn Ea Drai.

Là một trong ba thành viên của tổ nuôi dê luân chuyển buôn Kplang, từ khoản hỗ trợ 5 triệu đồng của quỹ “Nhiều người giúp một người”, đầu năm 2023, chị H’Niêt Niê đã mua 2 con dê sinh sản. Sau hơn nửa năm chăm sóc, 2 dê mẹ đã đẻ được 4 dê con. Dự kiến, khoảng 3 tháng nữa, chị sẽ xuất bán dê con và chuyển vốn cho một thành viên khác trong tổ để nhân rộng mô hình.

Chị H’Niêt Niê cho hay, ngoài được hỗ trợ về vốn, chị còn được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê. Ngay từ khi bắt tay thực hiện mô hình, vợ chồng chị đã dựng chuồng cao, che chắn cẩn thận và rất chú trọng việc phòng bệnh cho dê. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, vợ chồng chị đã tự tin bỏ thêm vốn để nhân đàn, dự tính sẽ duy trì đàn dê ở mức 20 con để có nguồn thu nhập ổn định chăm lo cho con cái học hành.

Mô hình “Nhiều người giúp một người” được Hội LHPN xã Tân Tiến triển khai vận động từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 nhằm cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chỉ với mức đóng góp 2.000 đồng/năm, Hội LHPN xã đã khéo léo tuyên truyền, vận động để tất cả chị em hội viên đều có thể tham gia, đồng hành và lan tỏa tinh thần sẻ chia, hỗ trợ lẫn nhau. Nhiều hội viên có điều kiện kinh tế tốt đều tình nguyện ủng hộ trên mức này để mỗi năm Hội LHPN có thể xây dựng một mô hình phát triển kinh tế mới với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/mô hình.

Theo bà Nguyễn Thị Tiến, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Tiến, số tiền hỗ trợ 5 triệu đồng/mô hình tuy không nhiều nhưng cũng phần nào giúp đỡ chị em phụ nữ nghèo, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số bớt đi những lo lắng về vốn đầu tư phát triển chăn nuôi. Thông qua nguồn hỗ trợ này, Hội LHPN xã và các chi hội thể hiện rõ hơn vai trò đồng hành với hội viên trong quá trình nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, động viên, giúp đỡ để người nhận vốn phát huy được hiệu quả mô hình và đảm bảo luân chuyển vốn sau một năm sử dụng.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.