Multimedia Đọc Báo in

Phóng viên “đa phương tiện”

08:21, 15/01/2024

Xu hướng công nghệ 4.0 tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, nhu cầu và thói quen tiếp cận thông tin của độc giả cũng có nhiều thay đổi. Trong xu thế đó, báo chí buộc phải thay đổi cách truyền thông để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.

Không đứng ngoài cuộc, nhiều năm qua Báo Đắk Lắk đã quan tâm phát triển các sản phẩm báo chí đa phương tiện. Trong nỗ lực ấy, các thể tài video, e-megazine (tích hợp đa phương tiện, bao gồm cả chữ viết, ảnh, video...), infographic (đồ họa thông tin) được chú trọng tăng cả số lượng và nâng cao chất lượng, thu hút sự quan tâm của bạn đọc.

Trước yêu cầu đổi mới và việc cạnh tranh thông tin mạnh mẽ của báo chí, chúng tôi - mỗi phóng viên đều hiểu rằng công việc đang đòi hỏi mình phải trở nên “đa năng” hơn. Không chỉ nghe, nhìn, cảm, viết mà còn phải thành thạo kỹ năng thu thập và xử lý thông tin trên kênh khác nhau, phải truyền tải thông tin trên nhiều nền tảng. Điều này đồng nghĩa với yêu cầu phóng viên phải “đa phương tiện hóa” chính mình.

Vì thế mà “phóng viên đa năng” hay “phóng viên di động” là cụm từ mà nhiều người hay dành để gọi chúng tôi, đúng với nhiều nghĩa. Dĩ nhiên, làm báo thì phải đi - di chuyển nhiều hơn, mà “di động, đa năng” còn hàm ý là sự hỗ trợ của đa công cụ kỹ thuật như: máy tính, điện thoại di dộng, máy quay phim, flycam… cũng nhiều hơn và lúc nào cũng “lách cách” bên mình.

Phóng viên phải chủ động tiếp cận với công nghệ, phải trang bị kỹ năng "mềm" để làm báo đa phương tiện. Với báo in, hầu như phóng viên độc lập tác nghiệp, còn làm báo đa phương tiện phóng viên thường xuyên làm việc theo nhóm (ê-kíp). Do đó, nếu không có kỹ năng làm việc nhóm sẽ rất khó “hợp rơ, ăn ý” và thậm chí dễ… "đánh mất" đồng nghiệp.

Trước mỗi đề tài, ê-kíp trao đổi, lên kế hoạch cụ thể về nội dung, ý tưởng, thời gian thực hiện. Do đó, mỗi phóng viên vừa phải ý thức về góc nhìn của mình từ sự hiểu biết, trải nghiệm của bản thân, vừa luôn biết lắng nghe ý kiến người khác; và phải biết cách… kéo người khác cùng tham gia. Việc đưa ra ý tưởng thôi vẫn chưa đủ, mỗi cá nhân phải có kỹ năng truyền đạt ý tưởng của mình cho đồng đội hiểu để cùng thực hiện.

Có những đề tài nhanh chóng đi đến "điểm chung", nhưng cũng không ít đề tài khiến các thành viên trong nhóm tranh luận do bị “vênh” về ý tưởng dẫn đến tự ái, giận hờn, nhưng khi bình tĩnh lại thì... nhận ra, phải biết chấp nhận sự khác biệt, đó chính là khởi nguồn cho những sáng tạo khi cùng nhau mổ xẻ vấn đề ở nhiều góc độ.

Dĩ nhiên, để đạt đến mục tiêu cuối cùng này, mỗi người phải biết gạt cái tôi của mình. Sau mỗi tác phẩm làm việc theo nhóm hoàn thành, mỗi người tự nhận ra thiếu sót của mình và đồng sự để đề tài sau thực hiện ăn ý, chất lượng hơn.

Phóng viên Báo Đắk Lắk tác nghiệp đa phương tiện. Ảnh: Trâm Anh

Nghề nào cũng có “sự cố”. Ngày đầu làm quen với làm báo đa phương tiện, chúng tôi cũng gặp sự cố. Chuyện là, dù đã có sự chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt trước khi phỏng vấn nhân vật nhưng về nhà "đổ" âm thanh ra thì... không có tiếng. Vậy là phải nhận lỗi và “năn nỉ” nhân vật đồng ý trả lời phỏng vấn lại. Sự cố ấy là bài học để chúng tôi biết, đó là sản phẩm của sự chưa chuyên nghiệp khi tác nghiệp.

Khi làm báo đa phương tiện, cũng lắm lúc gặp những tình huống “dở khóc dở cười”, đòi hỏi phóng viên còn phải có thêm nhiều kỹ năng khác, như kỹ năng… “biết làm hòa” với nhân vật. Trên địa bàn tỉnh, nhắc đến Báo Đắk Lắk, không ít bạn đọc vẫn nghĩ chỉ có mỗi ấn phẩm báo in. Vì vậy mà không ít lần, cánh phóng viên chúng tôi hẹn, trao đổi nội dung, được nhân vật vui vẻ đồng ý trả lời phỏng vấn nhưng đến nơi phóng viên bố trí máy quay phim, đặt micro phỏng vấn, nhân vật thẳng thừng từ chối với lý do “báo thì cần gì phải quay” và “ngại lên hình… nên có lẽ thôi”. Thế là, phóng viên phải giải thích, thuyết phục, phân tích để tìm kiếm sự hợp tác từ nhân vật. Lần khác, khi trao đổi trước về nội dung sắp phỏng vấn, nhân vật trả lời trọng tâm, mạch lạc nhưng đến lúc đưa micro, bấm máy quay thì nhân vật lúng túng, đỏ mặt, nói ấp úng... Lúc này, phóng viên phải ôn hòa, tư vấn tâm lý để nhân vật có được cảm giác thoải mái, tự tin lên hình.

Nghề nào cũng vậy, đổi mới và học tập không ngừng là yêu cầu trọng yếu. Dĩ nhiên, công nghệ càng là lĩnh vực có nhiều thay đổi. Thành ra, chúng tôi luôn tự động viên mình “làm nhiều thành quen, học rồi cũng thạo”, thay đổi để bắt kịp công nghệ và học cách chấp nhận sự thay đổi trong mỗi người nhằm đáp ứng  yêu cầu làm báo thời 4.0.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc