Multimedia Đọc Báo in

Ngăn ngừa thủy đậu lây lan diện rộng: Cần sự chủ động

10:31, 23/02/2024

Bệnh thủy đậu đã bắt đầu “vào mùa” và đang có xu hướng gia tăng, tập trung chủ yếu ở trẻ nhỏ. Việc chủ động phòng bệnh được xem là điều kiện tiên quyết để ngăn ngừa nguy cơ bệnh lây lan diện rộng, nhất là trong trường học.

Theo ghi nhận của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 60 trường hợp mắc bệnh thủy đậu rải rác tại 15 huyện, thị xã, thành phố. Ghi nhận tại huyện Ea Kar, vào tháng 1/2024 dịch thủy đậu bùng phát tại Trường Mầm non Măng Non (thị trấn Ea Kar) với 28 trường hợp trẻ mắc bệnh. Ổ dịch thủy đậu thứ hai tại TP. Buôn Ma Thuột ghi nhận 22 trẻ mắc bệnh cũng bùng phát trong trường học ở lứa tuổi mầm non.

Vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho trẻ, nhất là trong trường học sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ lây bệnh thủy đậu.

Ngay sau khi ghi nhận thông tin các ổ dịch, trung tâm y tế địa phương đã nhanh chóng tiến hành xác minh các trường hợp mắc bệnh tại trường học, lập danh sách trẻ theo ngày mắc bệnh, tiền sử tiêm chủng thủy đậu, cơ sở điều trị và tình trạng hiện tại.

Cùng với đó cấp phát Chloramin B cho trường học vệ sinh phòng học và đồ chơi, hướng dẫn nhà trường, phụ huynh thực hiện các biện pháp để phòng dịch bệnh lây lan và cách chăm sóc khi trẻ mắc bệnh. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống bệnh thủy đậu.

Bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Giám đốc CDC tỉnh cho biết, bệnh thủy đậu đang có xu hướng diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh và nếu không có các biện pháp phòng bệnh hiệu quả, bệnh sẽ dễ bùng phát và lây lan thành dịch.

Sau khi ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh tại các địa phương, nhất là tại các trường học, để chủ động phòng, chống bệnh thủy đậu, CDC tỉnh đã tham mưu cho Sở Y tế ban hành công văn chỉ đạo tất cả các trung tâm y tế trên địa bàn cùng vào cuộc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tăng cường công tác giám sát dịch tễ tại các xã, phường nhằm phát hiện và xử trí kịp thời những ca bệnh đầu tiên.

Khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh cần tập trung điều trị, khoanh vùng dập dịch ngăn ngừa bệnh phát sinh, lây lan trên diện rộng; tổ chức phun hóa chất xử lý môi trường, nhất là ở những địa bàn có nhiều trường hợp mắc bệnh.

Ðồng thời, chủ động duy trì các đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh tại tất cả các tuyến theo quy định; công bố số điện thoại đường dây nóng tại các cơ sở y tế để tiếp nhận thông tin tình hình dịch bệnh từ người dân và cộng đồng…

Kiểm tra dấu hiệu mắc bệnh thủy đậu cho trẻ mầm non tại TP. Buôn Ma Thuột.

Song song với đó, CDC tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức phòng bệnh cho người dân. Nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, thiết thực đã được triển khai như truyền thông trực tiếp, hướng dẫn người dân về nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng tránh một số bệnh truyền nhiễm; kết hợp tuyên truyền qua hoạt động khám chữa bệnh cho người dân tại các cơ sở y tế; tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh, phát thông điệp về bệnh thủy đậu trên chương trình truyền hình, truyền thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook…

Cũng theo bác sĩ Hoàng Hải Phúc, thủy đậu dễ lây lan và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh đã có vắc xin phòng bệnh, tuy nhiên, do vắc xin phòng thủy đậu chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, giá tiêm dịch vụ dao động từ 300.000 đồng đến hơn 600.000 đồng/mũi khiến nhiều phụ huynh không có điều kiện đưa trẻ đi tiêm phòng. Việc trẻ không được tiêm phòng đầy đủ sẽ khiến bệnh dễ lây lan và bùng phát thành dịch, nhất là tại các trường học. Hiện nay, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trẻ đã quay trở lại trường học. Đây là thời điểm thuận lợi để bệnh thủy đậu lây lan và bùng phát. Do đó, CDC tỉnh đã chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, yêu cầu các trường học thực hiện nghiêm túc biện pháp phòng bệnh như vệ sinh trường lớp, đồ chơi, rửa tay bằng xà phòng cho trẻ, thực hiện ngay các biện pháp cách ly khi phát hiện có trẻ mắc bệnh cũng như thông báo cho ngành y tế để kịp thời xử trí.

“Để chủ động phòng, chống bệnh thủy đậu, các bậc cha mẹ nên cho con em mình đi tiêm vắc xin phòng bệnh khi trẻ từ đủ 12 tháng tuổi, đây là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh để phòng tránh lây lan; khi cần tiếp xúc phải đeo khẩu trang, sau khi tiếp xúc phải rửa tay bằng xà phòng; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ sinh hoạt riêng; chủ động vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường. Khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường nên đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Với những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được cách ly và cho nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 - 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho người xung quanh” - bác sĩ Hoàng Hải Phúc chia sẻ thêm.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.