Multimedia Đọc Báo in

Người dân huyện đảo Trường Sa vui xuân đón Tết

23:32, 13/02/2024

Giữa mênh mông biển khơi, cách xa đất liền hàng trăm hải lý, nhưng không khí vui xuân đón Tết của người dân huyện đảo Trường Sa vẫn đậm đà hương vị truyền thống với bánh chưng xanh, dưa hành... và cả tiếng cười trẻ thơ rộn ràng trong những ngày đầu năm mới.

f
Mâm cỗ ngày Tết của gia đình anh Thái Minh Khai (người dân đảo Đá Tây A) dâng lên bàn thờ tổ tiên.

Cũng như mọi năm, những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp thìn 2024, anh Vi Hà Nam và một số người dân sinh sống trên đảo Trường Sa lại cùng các chiến sĩ Hải quân ngồi gói bánh chưng, bánh tét. Không ai bảo ai, mỗi người một việc, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu lá rong, gạo nếp, đậu xanh, thịt heo, đến việc gói bánh, luộc bánh... tất cả đều toát lên tình cảm gắn bó quân dân một nhà. Những chiếc bánh sau khi luộc, vớt ra còn nóng hổi được chia đều cho các gia đình và cán bộ, chiến sĩ ăn Tết.

Các chiến sĩ Hải quân ở đảo Đá Tây A giúp dân trang trí cây cảnh đón Tết.
Các chiến sĩ Hải quân ở đảo Đá Tây A giúp dân trang trí cây cảnh đón Tết.

Anh Nam tâm sự: “Như các hộ dân sinh sống trên đảo, gia đình tôi cũng nhiều năm đón Tết ở Trường Sa. Dù không thực sự sung túc như trong đất liền nhưng đón Tết nơi đây vẫn luôn ấm áp tình làng nghĩa xóm, được sưởi ấm bằng tình quân dân đoàn kết, gắn bó và đong đầy yêu thương qua những phần quà, nhu yếu phẩm mà các tổ chức, người dân khắp cả nước gửi ra hải đảo”.

Đảo Đá Tây A tổ chức hội thi gói bánh chưng.
Các chiến sĩ và người dân trên đảo Đá Tây A tham gia hội thi gói bánh chưng.

Tình nguyện ra đảo Trường Sa sinh sống, từ chỗ lạ lẫm trở thành thân thuộc, gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Phương đã yêu cát trắng, nắng vàng và những cơn gió biển mặn mòi, khắc nghiệt từ lúc nào không biết. Với chị, mỗi dịp Tết đến là một khoảnh khắc đặc biệt. Bởi điều kiện xa đất liền, hàng hóa không thể cung ứng tại chỗ mà phải nhờ các chuyến tàu vận chuyển từ trong bờ. Nên để bảo đảm nhu cầu thức ăn tươi cho ngày Tết, cách đây vài tháng, chị đã điện thoại nhờ người thân trong đất liền gửi ra đảo hạt giống các loại rau xanh, giống gà con để nuôi trồng trong khuôn viên vườn nhà mình. Hơn nữa, các gia đình trên đảo cũng thường xuyên được bộ đội tặng rau xanh, thịt heo... do các anh tăng gia được trên đảo. Vì vậy, Tết ở Trường Sa, người dân vẫn cảm thấy đủ đầy hương vị cổ truyền.

 

Trẻ em trên đảo Trường Sa được lì xì đầu năm khi theo bố mẹ đi lễ chùa.
Các cháu nhỏ ở đảo Trường Sa được lì xì đầu năm khi theo bố mẹ đi lễ chùa...

 

và sôi nổi tham gia tiết mục văn nghệ mừng xuân mới.
... và sôi nổi tham gia tiết mục văn nghệ mừng xuân mới.

Bánh chưng, bánh tét, củ kiệu, dưa hành, chân giò heo... là những món ăn trên mâm cỗ ngày Tết của gia đình anh Thái Minh Khai và các hộ dân khác ở đảo Đá Tây A. Trên bàn thờ tổ tiên, anh cũng bầy mâm ngũ quả, cành hoa mai nhựa và trang trí thêm cả dải đèn nhấp nháy. Theo anh Khai, dù ở nơi đảo xa nhưng gia đình anh vẫn luôn lưu giữ phong vị ngày Tết cổ truyền dân tộc thông qua mâm cỗ, việc thờ cúng tổ tiên...

Sau thời khắc giao thừa, các hộ dân trên đảo cũng qua nhà chúc Tết và xông đất đầu năm cho nhau. Sáng mùng 1 Tết, các chiến sĩ và người dân lại chuẩn bị mâm hương hoa đi lễ tại Chùa Đá Tây A để cầu cho quốc thái dân an, năm mới bình an, may mắn đến với gia đình, người dân và chiến sĩ trên đảo.

Quân dân đảo Trường Sa cùng gói bánh chưng.
Quân dân đảo Trường Sa cùng gói bánh chưng.

Để phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp trong ngày Tết cổ truyền dân tộc, vừa xây dựng khối đoàn kết quân - dân, những ngày đầu xuân, lãnh đạo đảng bộ, chỉ huy các đảo của huyện Trường Sa lại đến nhà thăm hỏi, động viên, chúc Tết người dân. Ngoài ra, còn tổ chức các hội thi, trò chơi dân gian như ném vòng cổ chai, nhảy bao bố, đẩy gậy, hái hoa dân chủ.... thu hút đông đảo chiến sĩ và người dân tham gia nhiệt tình, sôi nổi. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Trường Sa cũng háo hức tham gia, rồi quấn quýt, vui đùa cùng các chiến sĩ trẻ.

Các chiến sĩ Hải quân đảo Trường Sa tham gia trò chơi ném vòng cổ chai trong ngày Tết.
Các chiến sĩ Hải quân ở đảo Trường Sa tham gia trò chơi ném vòng cổ chai trong ngày Tết.

Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa cho biết, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, tổ chức chính trị xã hội và kiều bào ta ở nước ngoài, những năm gần đây, đời sống người dân ở các xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa được bảo đảm về y tế, giáo dục, các phương tiện nghe nhìn... Nhiều công trình phúc lợi xã hội ở Trường Sa đã và đang được đầu tư xây dựng khang trang. Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện đảo cũng luôn quán triệt, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giúp các hộ dân nơi đây sinh sống ổn định, đón những mùa xuân vui tươi, đầm ấm.

Sáng mùng 1 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, quân và dân đảo Đá Tây A đi lễ chùa.
Sáng mùng 1 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các chiến sĩ và người dân đảo Đá Tây A cùng đi lễ chùa.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.