Multimedia Đọc Báo in

Tết ấm cho người nghèo và nạn nhân da cam

08:30, 01/02/2024

Sau 25 năm triển khai thực hiện, phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” và từ năm 2023 đến nay là phong trào “Tết nhân ái” đã ngày càng lan tỏa sâu rộng, nhận được sự đồng hành, đóng góp, sẻ chia của rất nhiều tấm lòng thơm thảo, đem đến cái Tết ấm áp cho những người yếu thế trong xã hội.

Là một trong ba địa phương của tỉnh được chọn làm điểm tổ chức Hội chợ “Tết nhân ái” Xuân Giáp Thìn năm 2024, Huyện ủy, UBND huyện, các cấp, ngành, Hội Chữ thập đỏ huyện Ea Kar đã tăng cường tuyên truyền, vận động, tổ chức “Gian hàng 0 đồng” và hoạt động vui xuân, đón Tết thiết thực.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ayun H’Hương trao quà tặng người nghèo.

Những đối tượng hưởng lợi không chỉ có cơ hội mua các vật dụng, nhu yếu phẩm, bánh chưng miễn phí mà còn được hòa mình vào không khí vui tươi của ngày xuân thông qua các hoạt động vui chơi, giải trí, cắt tóc miễn phí, viết thư pháp, ẩm thực, tặng quần áo đã qua sử dụng…

Ngoài kinh phí 50 triệu đồng của tỉnh hội, huyện Ea Kar đã vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đóng góp để trao 580 suất quà với tổng trị giá 350 triệu đồng tặng hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, neo đơn.

Người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn huyện Ea Kar mua sắm ở "Gian hàng 0 đồng" tại Hội chợ “Tết nhân ái” Xuân Giáp Thìn năm 2024 do huyện Ea Kar phối hợp tổ chức.
 

Với tinh thần “tương thân, tương ái”, hàng vạn tấm lòng đã cùng đồng hành để tổ chức các hoạt động thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn như: “Hội chợ - tặng quà - vui Tết”, Hội chợ “Tết nhân ái”, “Cửa hàng dịch vụ đón Tết”, “Cỗ Tết”, “Tết nghĩa tình”. Thực hiện phong trào “Tết nhân ái” Xuân Giáp Thìn năm 2024, tính đến ngày 26/1, các cấp hội chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh đã vận động, trao tặng 25.334 suất quà với tổng trị giá gần 9,8 tỷ đồng”.

 
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ayun H’Hương

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Ea Kar Trần Đức Lương cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Huyện ủy Ea Kar đã thành lập Ban Chỉ đạo chăm lo Tết cho nhân dân với mục tiêu “Mọi người, mọi nhà đều có Tết”.

Huyện đã trích ngân sách và huy động xã hội hóa chăm lo Tết cho người dân hai khu tái định cư, buôn căn cứ cách mạng, hai buôn đặc biệt khó khăn của xã Cư Elang, đồng thời trao tặng trên 2.000 suất quà Tết cho các đối tượng.

“Để không ai bị bỏ lại phía sau”, Hội Chữ thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột đã tích cực vận động, kết nối với các doanh nghiệp, nhóm từ thiện chung tay đem lại một cái Tết ấm áp hơn cho người nghèo và nạn nhân chất độc da cam, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bệnh tật, đau ốm.

Cùng với hoạt động trao tặng quà, Hội Chữ thập đỏ thành phố đã phối hợp tổ chức “Tết nhân ái” cho người dân bốn xã biên giới của huyện Buôn Đôn và Ea Súp, tặng thẻ bảo hiểm y tế cho hộ khó khăn, tặng xe đạp cho học sinh nghèo, vận động giúp đỡ 4 địa chỉ nhân đạo mới với mức 500.000 đồng/tháng và huy động 800 tình nguyện viên tham gia hiến máu tại Ngày Chủ nhật đỏ - Lễ hội Xuân hồng năm 2024.

Một trong những đơn vị đã cùng đồng hành với Hội Chữ thập đỏ thành phố tổ chức chương trình “Agribank - Tết nghĩa tình lần thứ X năm 2024” là Ngân hàng Agribank Chi nhánh Đắk Lắk. Bên cạnh nhiệm vụ kinh doanh, những năm qua, Agribank luôn chú trọng thực hiện trách nhiệm xã hội trên địa bàn đóng chân.

Trong năm 2023, Agribank Chi nhánh Đắk Lắk đã hỗ trợ xây dựng nhà, trường học, thư viện, tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế… với tổng kinh phí 4 tỷ đồng. Riêng Tết Nguyên đán 2024, Agribank Chi nhánh Đắk Lắk đã trao tặng 2.000 suất quà cho các đối tượng với kinh phí 1 tỷ đồng.

Mỗi phần quà được trao tặng tuy không lớn nhưng gửi gắm tình cảm ấm áp của cán bộ, nhân viên đơn vị đối với những người yếu thế và đồng hành cùng tỉnh trong công tác an sinh xã hội.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.