Multimedia Đọc Báo in

Du xuân cùng lễ hội: Niềm vui chưa trọn

08:40, 12/03/2024

Sau dịp Tết Nguyên đán, trên địa bàn tỉnh diễn ra khá nhiều lễ hội, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Bên cạnh việc tổ chức lễ hội vui tươi, vấn đề an toàn, văn minh cũng cần được chú trọng.

Tại Lễ hội Hảng Pồ (xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ) vừa diễn ra vào cuối tháng Giêng, có lẽ nhiều người dân và du khách khá bất bình với nạn chặt chém của dịch vụ giữ xe.

Cụ thể, một số hộ dân sinh sống dọc tuyến đường gần khu vực trung tâm xã Ea Siên – nơi diễn ra lễ hội đã tận dụng phần sân, đất vườn của mình để làm điểm giữ xe với mức giá 10.000 đồng/lượt đối với xe máy và 50.000 đồng/lượt với ô tô. Khi khách có ý kiến về mức giá cao thì nhận được câu trả lời: “Đây là giá chung rẻ đã được Ban tổ chức lễ hội thống nhất”.

Anh Minh, một du khách đến từ TP. Buôn Ma Thuột bày tỏ: “Mới hồi giữa tháng Giêng, tôi đi Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc ở huyện Cư Kuin gửi xe ô tô giá vé chỉ 20.000 đồng/lượt. Vậy mà không hiểu sao ở đây phí gửi xe lại cao hơn gấp đôi, khách vào lễ hội vui chơi, mua sắm buộc gửi xe nhưng cảm thấy không thoải mái khi phải trả mức phí cao như vậy”.

Thức ăn nhanh tại Lễ hội Hảng Pồ bày bán mà không được che đậy, bảo quản.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Ea Siên cho hay: "Các điểm giữ xe do các hộ dân nằm gần khu vực diễn ra lễ hội và có mặt bằng gồm phần sân và đất vườn trong khuôn viên nhà ở tự căng dây treo biển giữ xe rồi thu phí. Trước mỗi kỳ lễ hội, chúng tôi đã chủ động tuyên truyền, nhắc nhở họ không tự ý thu phí trông giữ xe vượt quy định quá cao để tránh gây bức xúc cho người dân và du khách đến lễ hội, nhưng thực tế vẫn không ngăn chặn được".

Lễ hội thường tụ tập đông người nên dịch vụ ăn uống thường rất phong phú, nhộn nhịp. Đặc biệt, với Lễ hội Hảng Pồ, ẩm thực luôn là một phần không thể thiếu và là dịp để người dân giới thiệu các món ăn mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc đến du khách. Theo số liệu thống kê của xã Ea Siên, Lễ hội Hảng Pồ hằng năm thu hút từ 30.000 – 35.000 người dân, du khách thập phương về tham dự; tiêu thụ từ 300 - 500 con heo quay, 50 - 75 con trâu cùng nhiều hàng hóa khác. Ngoài những món ăn được chế biến sẵn, tại lễ hội có nhiều gian hàng bán thịt tươi như thịt trâu, bò, ngựa, heo rừng... bày la liệt trên chiếc bàn bằng sắt hoặc gỗ nhỏ, xung quanh vo ve ruồi, nhặng, có nơi những thớ thịt đã khô đen bám lẫn bụi bặm dưới nắng nóng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, hầu hết các quầy bán thịt tươi đều trưng nguyên phần đầu của con vật, từ trâu, ngựa, heo rừng... nhằm thu hút sự chú ý cũng như để người mua yên tâm không sợ mua phải hàng giả. Tuy nhiên, với nhiều người, hình ảnh này lại tạo sự sợ hãi, nhất là với trẻ em...

Thịt ngựa được bày bán với nguyên phần đầu.

Đó là chưa kể đến các hàng quán bán cơm, bún, cháo và các mặt hàng thức ăn nhanh bày la liệt hai bên các tuyến đường và cả trong khu vực diễn ra các hoạt động thi đấu, vui chơi nhưng ít được che đậy, bảo quản theo đúng quy định. Rất hiếm quán có tủ kính để thức ăn trong khi đó gió bụi mù mịt dưới bước chân hàng trăm người qua lại, trời thì nắng gắt nên thức ăn càng dễ ôi thiu.

Lễ hội không chỉ là nơi vui chơi mà còn là nơi giáo dục tư tưởng, lối sống, tình đoàn kết trong cộng đồng; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Do đó, bên cạnh những cái hay, cái đẹp thì những hạn chế nêu trên rất cần được chính quyền và cơ quan chức năng tiếp tục chấn chỉnh, bảo đảm mùa lễ hội an toàn, văn minh.

Minh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Đắk Lắk góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cùng với phát triển sản xuất, các doanh nghiệp này đã quan tâm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, đây chính là động lực giúp công nhân yên tâm lao động. ​​​​​​​