Gian nan nghề hái tiêu
Là vùng trọng điểm trồng hồ tiêu của tỉnh, mỗi năm đến mùa thu hoạch, huyện Cư Kuin cần rất nhiều nhân công thu hái cho kịp thời vụ. Đây là mùa “hái ra tiền” của nhiều người lao động, nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.
Mùa "hái ra tiền”
Vào mùa thu hoạch hồ tiêu, cứ hơn 6 giờ sáng, vợ chồng ông Y Ga Byă (buôn Kŏ Êmông, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) cùng một số bạn bè trong buôn lại khăn gói đi hái tiêu thuê cho những hộ trồng tiêu trong huyện.
Do gia đình không có nhiều đất sản xuất, nên phần lớn thời gian trong năm, vợ chồng ông rong ruổi khắp nơi để tìm kế sinh nhai. Sau mùa cà phê, mùa tiêu giúp vợ chồng ông có thêm việc làm.
Giá hồ tiêu năm nay liên tục tăng cao nên nhân công thu hái được trả tiền công cao hơn năm ngoái. Trung bình một ngày công hái tiêu, ông Y Ga được chủ vườn trả 250.000 đồng và hỗ trợ thêm một khoản để bù chi phí đi lại, ăn uống. “Hy vọng giá tiêu tiếp tục tăng để những người lao động như chúng tôi được trả công cao hơn nữa”, ông Y Ga bày tỏ.
Khác với ông Y Ga là người dân địa phương, bà Nguyễn Thị Huỳnh (xã Hòa Thành, huyện Krông Bông) đã có 6 năm mưu sinh bằng công việc hái tiêu thuê tại huyện Cư Kuin. Theo bà Huỳnh, mùa thu hoạch tiêu năm nay, đa số các chủ vườn đều thuê hái theo cân tươi. Nhờ có sức khỏe, kinh nghiệm hái tiêu thuê nhiều năm nên bà Huỳnh cũng lựa chọn hình thức hái khoán cả vườn, với mức giá 3.500 đồng/kg tiêu tươi. Chăm chỉ hái trong ngày cũng được khoảng 90 - 100 kg tiêu tươi, kiếm hơn 300.000 đồng. “Mùa thu hoạch hồ tiêu chỉ kéo dài trong vòng 45 - 60 ngày, nếu như tôi đi đều, đến hết vụ mùa cũng tích góp được hơn 15 triệu đồng. Đối với người dân lao động chân lấm tay bùn như chúng tôi, đây là số tiền không nhỏ, giúp gia đình có thêm chi phí trang trải cuộc sống”, bà Huỳnh chia sẻ.
Trong lúc thu hoạch hồ tiêu, người hái phải lồng tay vào trong thang để giữ cho khỏi ngã. |
Theo nhiều chủ vườn tiêu trên địa bàn huyện Cư Kuin, năm nay việc tìm kiếm nhân công thu hái “dễ thở” hơn năm ngoái, giá thuê ổn định nên bà con nông dân cũng đỡ vất vả hơn. Nhờ có nguồn lao động thời vụ này đã giúp nhiều hộ gia đình giảm bớt sức ép thu hoạch hồ tiêu và hạn chế được việc tiêu chín, rụng đen gốc, gây thất thoát, lãng phí sau một năm lao động cực nhọc.
Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Kuin Nguyễn Cảnh Danh cho biết, Cư Kuin hiện có gần 70.000 người trong độ tuổi lao động. Vụ mùa tiêu năm 2024, ngoài nguồn nhân công tại địa phương còn có một lượng lớn nhân công đến từ các huyện lân cận như Krông Bông, Krông Ana, Lắk… đến thu hái. Do đó, vụ mùa tiêu năm nay, số lượng nhân công thu hái trong và ngoài huyện đảm bảo đủ phục vụ nhu cầu thu hoạch hồ tiêu của người dân.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Với nhiều người, hái tiêu được xem là một “nghề” trong lúc nông nhàn, tuy không quá vất vả, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ tai nạn lao động cao. Tuy vậy, nghề này mang lại thu nhập ổn định hơn các công việc làm nông khác nên nhiều lao động vẫn cố gắng bám trụ để mưu sinh.
Theo nghề hái tiêu đã nhiều năm nay, anh Mai Xuân Mạnh (thôn 6, xã Ea Bhốk) cho hay, đa số các hộ trồng tiêu đều trồng trên trụ cây sống như muồng, keo, gòn… nên phần lớn các trụ tiêu thường rất cao, trung bình từ 5 - 7 m. Trong quá trình thu hoạch, người hái phải đứng vắt vẻo trên chiếc thang sắt mà không có thiết bị bảo hộ, đôi khi chỉ có những chiếc dây mỏng để cố định giữa người với thang. Đối với những nơi có địa hình dốc, đất mềm, nếu không căn chỉnh đặt thang đúng vị trí thì cả người và thang đều có thể bị ngã ngửa, nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, anh Mạnh luôn tự nhủ bản thân và nhắc nhở những nhân công khác phải luôn cẩn thận khi hái, đặc biệt chú ý kiểm tra cây và cố định thang chắc chắn trước khi trèo lên cao.
Nhân công tiến hành đóng bao và cân tiêu tươi sau một ngày thu hái. |
Thực tế, đã có không ít trường hợp xảy ra tai nạn khi thu hoạch hồ tiêu. Huyện Cư Kuin là vùng sản xuất hồ tiêu trọng điểm của tỉnh, với diện tích gần 4.670 ha, tình trạng tai nạn lao động do hái tiêu cũng đã xảy ra. Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin, từ đầu mùa thu hoạch hồ tiêu đến nay, trung tâm đã tiếp nhận 4 bệnh nhân bị tai nạn trong quá trình hái tiêu. Những thương tích do hái tiêu thường là gãy tay, gãy chân, tổn thương cột sống… Nguyên nhân là do trụ tiêu cao, nhiều người cố hái những chùm tiêu chín trên cao có thể bị hụt chân hoặc thang bị nghiêng, gãy trụ… dẫn đến ngã xuống đất. Bên cạnh đó, thời điểm thu hoạch tiêu, thời tiết thường có gió to, tiềm ẩn nhiều rủi ro té ngã cho người dân khi hái tiêu.
Bác sĩ Lê Quang Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin cho biết, số lượng bệnh nhân bị tai nạn lao động do hái tiêu năm nay giảm đáng kể so với năm ngoái. Để hạn chế rủi ro trong quá trình thu hái hồ tiêu, những năm qua, trung tâm đã triển khai đến các trạm xá, các cộng tác viên y tế ở từng thôn, buôn tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân cách thức đảm bảo an toàn lao động trong quá trình thu hoạch hồ tiêu. Những trường hợp không may gặp tai nạn trong quá trình lao động, người dân cần kịp thời đưa đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu và chuyển đến cơ sở điều trị chuyên khoa.
Thúy Nga
Ý kiến bạn đọc